Sáng 5/5, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đầu năm nay có diễn biến phức tạp. Trong khi số ca mắc ở một số nước giảm nhưng lại tăng cao ở một số nước khác như Maylaysia (tăng gần 4 lần hoặc không thay đổi như Singapore).
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm, số người mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm 2013 ở 3 khu vực là miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết hiện có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Nam và miền Bắc. Số ca mắc ở miền Bắc tập trung ở Hà Nội (52%) và Thái Bình (34%). Tính đến ngày 5/5, Hà Nội đã ghi nhận 37 người mắc sốt xuất huyết tại 2 ổ dịch. Mặc dù số người mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô giảm cả số người mắc và ổ dịch so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hiện nay bệnh đã xuất hiện tại 47% số quận, huyện và 5% số xã, phường.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định, mặc dù 4 tháng đầu năm, số ca mắc, số quận huyện và xã phường có bệnh nhân giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự báo năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009- bùng phát dịch sốt xuất huyết dengue trên địa bàn Hà Nội, cùng với các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội chưa được giải quyết triệt để như: thiếu nước sạch, tình hình trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trình xây dựng dang dở.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Trung tâm đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh tại Hà Nội trong tháng 5. Cụ thể theo dự thảo, mục tiêu được đặt ra tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã phường trọng điểm. 100% xã phường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt 1 vào tháng 5 và 6. Tổ chức 30 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tại các xã phường nguy cơ cao trong tháng 6 và 7.
Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và thủy đậu cũng đang xuất hiện và có nguy cơ bùng phát. Mặc dù Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, hiện mỗi tuần chỉ tiếp nhận khoảng 2, 3 bệnh nhân tới khám và điều trị. Song đến ngày 5/5, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 192 trường hợp mắc tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện. So với cùng kỳ năm ngoái, bệnh tay chân miệng giảm gần 42%.
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh tay chân miệng thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 là thời gian thuận lợi cho virus phát triển mạnh và nguy cơ bùng phát bệnh rất cao. Vì vậy, trong khi chưa có vaccine đặc hiệu phòng bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh nên bảo vệ sức khỏe cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh tốt, dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng. PGS.TS Bùi Vũ Huy khuyến cáo, bệnh thủy đậu lành tính có khả năng tự khỏi trừ ở một số trường hợp đặc biệt. Với những ban thủy đậu thì các bậc phụ huynh vệ sinh bằng xà phòng với nước sạch. Khi các nốt loét ra thủy đậu vỡ ra thì chúng ta có thể chấm xanh-ti-len tại chỗ để sát khuẩn tại chỗ. Nếu trường hợp bệnh nhân sốt tái lại nặng hơn hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì cần phải đi khám lại để không bị biến chứng. Hiện nay, bệnh thủy đậu đã có vaccine phòng bệnh. Đối với bệnh tay chân miệng để chủ động phòng tránh, gia đình, nhà trường phải dạy các cháu ngay từ nhỏ có thói quen vệ sinh rửa tay trước khi ăn. Khi các cháu bị bệnh thì không nên cho đến các nhà trẻ, nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng./.