Tuy không nằm trong vùng dịch, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, các bệnh viện Nhi tại thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm não Nhật Bản. Điều này đã khiến người dân thành phố lo lắng, đưa con đi chích ngừa vaccine viêm não Nhật Bản.

 

trich_ngua_1_ztdc.jpg

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não tại Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1

Khoa Trẻ em lành mạnh của Bệnh viện Nhi Đồng 2, thành phố Hồ Chí Minh từ sau dịch sởi đến giờ vẫn luôn trong tình trạng đông nghẹt phụ huynh đưa con đi chích ngừa các loại vaccine dịch vụ. Gần đây, bệnh viêm não Nhật Bản đang tiếp tục gia tăng ở các tỉnh phía Bắc và tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện những ca viêm não Nhật Bản. Trước tình hình này, các bậc phụ huynh đã chủ động đưa con đến chích ngừa vaccine. 

 

Chích ngừa vaccine viêm não Nhật Bản tại Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM

Chị Trần Thị Ngọc Yến, ở quận Bình Thạnh, đưa con gái 22 tháng tuổi đi chích ngừa vaccine viêm não Nhật Bản, nói: “Giờ đang có dịch. Lẽ ra bé chích lâu rồi nhưng vì cháu ốm nên chưa chích được. Tôi xác định chích ngừa cho bé theo khuyến cáo”.

Nếu trong cả tháng 6, có hơn 2.000 trẻ đến chích ngừa viêm não Nhật Bản tại Khoa trẻ em lành mạnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, thì chỉ trong hai tuần đầu của tháng 7 này cũng đã có trên 2.000 trẻ đến chích. Còn tại các điểm chích ngừa khác như: Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các Trạm y tế phường, xã cũng có đông trẻ đến chích vaccine viêm não Nhật Bản. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 11, quận Bình Thạnh cho biết: trong 2 tuần đầu tháng 7, có 53 trẻ đến chích ngừa viêm não Nhật Bản, bằng với số lượng trong cả tháng 6. 

“Sau những đợt dịch ở Hà Nội, số lượng trẻ chích vaccine viêm não Nhật Bản có tăng hơn so với tháng trước. Có trẻ đã tiêm được 2 mũi cơ bản, lẽ ra đến mũi nhắc thì lại quên đi nhưng giờ có truyền thông nên đã đi chích lại mũi nhắc đó”, bà Nguyệt cho biết. 

Tại 2 bệnh viện Nhi của thành phố là Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận khoảng 20 ca viêm não Nhật Bản. Tuy số ca bệnh không nhiều và bệnh nhi chủ yếu là từ vùng nông thôn ở các tỉnh thành phía Nam chuyển đến, nhưng so với các năm trước đã có sự gia tăng của căn bệnh này. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số ca bệnh viêm não do virus cao nhất cả nước, trong đó virus viêm não Nhật Bản là một trong những nguyên nhân chính gây viêm não do virus. Cho nên, phòng ngừa viêm não do virus cũng rất quan trọng trong thời điểm này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Viêm não do virus có 2 nhóm khác nhau. Dưới 3 tuổi thường là do virus đường ruột. Từ 3 đến 15 tuổi thường là do viêm não Nhật Bản. Viêm não rất nguy hiểm, gây tử vong cao và là gánh nặng di chứng. Nếu sức khỏe em bé tốt, em bé đến viện kịp thời hoặc là độc lực không cao thì chỉ có 60% em bé bình phục, còn lại 40% bị tử vong hoặc di chứng”. 

Nhằm phục vụ tốt nhất người dân đưa con em đi chích ngừa viêm não Nhật Bản, các bệnh viện, trạm y tế ở thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng vaccine và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu chính đáng này. Đồng thời, theo kế hoạch đã đề ra, thành phố sẽ chích ngừa vaccine viêm não Nhật Bản đại trà cho người dân vào tháng 8 này./.