6 tháng đầu năm nay, tuy số ca bệnh viêm não do virus ở nước ta thấp hơn so với cùng kì năm ngoái, nhưng tỉ lệ viêm não Nhật Bản B lại đang có chiều hướng tăng. Số mắc  tập trung chủ yếu ở Hà Nội và đa phần là trẻ em. Ngành y tế đang triển khai các biện pháp chủ động đối phó đối với loại dịch bệnh này.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 135 bệnh nhi viêm não do virus. Số ca bệnh không tăng so với cùng kì năm trước và cũng không nhập viện ồ ạt. Song điều đáng chú ý là trong số này tỉ lệ bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản B lại chiếm khoảng 1/4 và có xu hướng tăng.

viem-nao_uqjj.jpgBộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tình hình dịch bệnh viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Hiện khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị 36 bệnh nhi viêm não do virus, trong đó có 10 ca viêm não Nhật Bản B. Theo thống kê của Bệnh viện, số ca mắc viêm não Nhật Bản B tập trung chủ yếu ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đến nay, bệnh viêm não Nhật Bản B đã xuất hiện tại 13 quận, huyện, trong đó có: Chương Mỹ, Ba Vì, Thanh Xuân, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Đông Anh, Mỹ Đức, Ứng Hòa… và chưa phân tích được đầy đủ các yếu tố dịch tễ liên quan. Với những nơi có ổ dịch, ngành y tế thủ đô đã tổ chức tổ điều tra, khoanh vùng và giám sát ca bệnh; vận động nhân dân cho trẻ tiêm phòng; đồng thời tổ chức phun thuốc diệt muỗi vì muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút viêm não rồi truyền cho người khi đốt.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 350 trường hợp mắc bệnh viêm não, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Tỷ lệ viêm não Nhật Bản trong số những ca viêm não do virus khoảng 10%. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccin để phòng dịch bệnh này. Tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Nếu tiêm đúng lịch, thì sau mũi thứ 3, tỉ lệ phòng bệnh đạt được 95%. Sau 3 năm, trẻ phải tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài tiêm chủng miễn phí 3 mũi cơ bản, hiện còn có chương trình tiêm chủng theo dịch vụ và vaccine viêm não Nhật Bản B trong nước sản xuất có giá khoảng 80.000 đồng/1mũi.

Trước nguy cơ bệnh viêm não Nhật Bản B có chiều hướng gia tăng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Cục Y tế dự phòng rà soát công tác tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản B để có điều chỉnh nếu cần thiết. Ngoài ra phải thống kê tình hình bệnh nhân mắc bệnh này trên cả nước để đưa ra cách xử lý kịp thời.

Tại buổi thị sát tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 26/6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu lãnh đạo bệnh viện sớm triển khai phân luồng bệnh nhân và ứng phó trong tình huống bệnh tăng cao, rút kinh nghiệm từ dịch sởi vừa qua. 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế Hà Nội cần có đề án đẩy mạnh tiêm chủng. Với những vùng có nguy cơ cao thì phải tiêm bổ sung chiến dịch, nguồn vaccine trong nước không thiếu. Về tiêm chủng mở rộng, Hà Nội phải rút kinh nghiệm lớn từ vụ dịch sởi, phải có đề án đẩy mạnh tiêm chủng và tăng cường tuyên truyền, nếu không tiêm chủng thì hậu quả sẽ khó lường. Ngoài ra phải tăng cường năng lực khám chữa bệnh và việc phân tuyến, sàng lọc bệnh là rất quan trọng.

Để phòng tránh bệnh viêm não nói chung, viêm não Nhật Bản B nói riêng, ngoài biện pháp tiêm vaccine, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở và chuồng trại gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đề phòng bị muỗi đốt./.