Theo thông tin của phóng viên của VOV có mặt tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam, từ ngày 8/3 đến trưa nay (9/3), công tác tìm kiếm vẫn đang được các lực lượng của Việt Nam và các nước phối hợp tiến hành trong một nỗ lực cao nhất nhằm tìm ra dấu tích của chiếc máy bay. Đến nay, công tác tìm kiếm vẫn đang diễn ra khẩn trương, thời tiết thuận lợi và tầm nhìn khá tốt cho cả máy bay và tàu. Các tàu vẫn đang tìm kiếm, rà soát lại những khu vực phân vùng từ ngày 8/3; trên không, trực thăng của quân đội Việt Nam cũng như một số nước vẫn đang không ngừng tìm kiếm.

may-bay-mat-tich.jpg
Xác định vị trí được cho là máy bay Malaysia mất tích - Ảnh: Thuận Thắng

Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, khoảng 8h30 phút sáng 9/3, 5 tàu Việt Nam đã tiếp cận với khu vực máy bay mất tích và đang tích cực tìm kiếm, trong đó có 2 tàu Hải quân, 2 tàu Cảnh sát biển và 1 tàu chỉ huy. Cùng với đó, 2 chiếc máy bay AN26 cũng đã cất cánh từ sáng sớm nay tiếp tục quần thảo tại khu vực máy bay mất tích. Được biết, diện tích khu vực tìm kiếm đã được mở rộng khoảng hơn 100km2.

Các lực lượng cứu hộ yêu cầu mở rộng phạm vi khu vực tìm kiếm theo hướng về đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Lực lượng cứu hộ của Philippines đã điều 1 máy bay, 1 tàu cứu hộ đến hiện trường tham gia tìm kiếm. Đến cuối giờ trưa, các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu của chiếc máy bay mất tích.

Cũng trong sáng nay, theo thông báo tại cuộc họp, máy bay của Indonesia, Singapore đã được phép vào khu vực để tham gia tìm kiếm. Tàu khu trục và máy bay săn ngầm của Mỹ cũng đã được phép và đang trên đường tiến vào vùng biển tìm kiếm. Trung Quốc cũng đang dự kiến triển khai máy bay và tàu tìm kiếm cứu nạn.

Tại cuộc họp báo sáng nay, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này và các lực lượng chức năng sẽ sớm thành lập đoàn để bay vào Nam trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn ở hiện trường.

Về công tác chỉ đạo tìm kiếm trong ngày hôm nay và những ngày tiếp theo, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đề nghị: “3 lực lượng gồm không quân, hàng không phối hợp tiếp tục tìm kiếm ở những vùng đã được xác định trên sơ đồ, kể cả mở rộng thêm diện tích tìm kiếm, thậm chí vào sâu trong lãnh thổ. Đánh giá này của chúng ta trùng với Malaysia. Với lực lượng trên biển, tại sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng hải phải duy trì trực 24/24 tiếng và chỉ huy trên hiện trường vùng biển mà phía Việt Nam đảm nhận. Quá trình tìm kiếm cả trên không, trên biển nhất định phải đảm bảo yếu tố an toàn, đồng thời Cục Hàng hải phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết cho các tàu của nước bạn sớm được tham gia tìm kiếm”.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cũng yêu cầu các lực lượng tiếp tục phối hợp với các nước bạn, làm thủ tục cấp phép nhanh chóng đối với các nước cùng tham gia phối hợp tìm kiếm; sẵn sàng mọi điều kiện cùng với tích cực chủ động tìm kiếm sẵn sàng thành lập Ủy ban điều tra nếu phát hiện máy bay nằm trong vùng FIR của Việt Nam./.