Liên quan đến vụ máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia mất tích ngày 8/3, lúc 10h ngày 9/3, tại Cục Hàng không Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu chủ trì cuộc họp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng liên quan về việc triển khai tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay nói trên.

Trước đó, vào lúc 9h cùng ngày, theo báo cáo của Sở Chỉ huy Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay (Công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam), công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành trong nỗ lực lớn nhất. Theo thông tin gửi về, thời tiết khu vực tìm kiếm rất thuận lợi, tầm nhìn khá tốt. Các tàu vẫn tiếp tục rà soát từng khu vực. Ở trên không, trực thăng quân đội vẫn không ngừng tìm kiếm.

img_0603.jpg
Tàu cảnh sát biển áp sát khu vực nghi mất tích nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể

Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, khoảng 8h ngày 9/3, 5 tàu của Việt Nam tiếp cận được khu vực máy bay mất tích và tích cực tìm kiếm, trong đó có 2 tàu hải quân, 2 tàu cảnh sát biển và 1 tàu chỉ huy. Cùng đó, 2 chiếc máy bay AN 26 cất cánh sáng sớm nay cũng tiếp tục quần thảo tại khu vực máy bay mất tích. Được biết, diện tích khu vực tìm kiếm đã được mở rộng khoảng hơn 100 km2.

Các lực lượng cứu hộ được yêu cầu mở rộng phạm vi tìm kiếm rộng ra đảo Thổ Chu về phía nam. Lực lượng cứu hộ của Philippines cũng đã điều 1 máy bay và 1 tàu cứu hộ đến hiện trường. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu gì của chiếc máy bay mất tích.

10h sáng nay, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu đã chủ trì cuộc họp tại Cục Hàng không Việt Nam xung quanh vụ máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia mất tích.

Theo thông báo mới nhất, sáng nay 3 tàu bay AN56 đã cất cánh, máy bay của Indonesia, Singapore đã vào khu vực, tàu khu trục và máy bay săn ngầm của Mỹ đang trên đường tiến vào vùng biển, bay dọc khu vực để trinh sát. Trung Quốc dự kiến triển khai 2 máy bay và 14 tàu để phối hợp tìm kiếm.

Hôm nay máy bay đầu tiên của nước ta tiếp tục bay giống hôm qua, mở rộng khu vực đi lên phía nam đảo Thổ Chu. 6 nước tham gia tìm kiếm ở khu vực này.

Tại cuộc họp ông Đinh Đức Tuấn - Thanh tra giám sát bay của Cục Hàng không Việt Nam, người có kinh nghiệm bay hơn 20 năm với Boing 777 và hiện đang là giảng viên dạy lái máy bay của Việt Nam cho biết: Boing 777 được chế tạo để bay trong thời tiết rất phức tạp như giông bão vẫn đảm bảo, gặp bão vẫn có bài bay. Kiểm tra thông báo thời tiết trên thế giới khu vực này thời tiết rất tốt, bỏ qua yếu tố này.

Cho nên chỉ xét về kỹ thuật: Thứ nhất là máy bay bị hở buồng kín; thứ 2 là chết cùng lúc 2 động cơ. Nhưng với điều kiện thời tiết như vậy, máy bay vẫn lướt được 20 dặm với tốc độ 200 dặm/h, khoảng thời gian 20 phút, thời gian này phi công vẫn có đầy đủ thời gian cho tổ lái liên lạc.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đề nghị: “3 lực lượng tiếp tục, phối hợp với các lực lượng nước bạn tìm kiếm. Sở chỉ huy phối hợp với nước bạn, tìm kiếm và đảm bảo an toàn. Phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết câc vấn đề thủ tục liên quan đến tàu quân sự. Luôn sẵn sàng phương án, nếu máy bay bị nạn ở lãnh hải Việt Nam, thì chúng ta phải chuẩn bị điều tra…”. 

Sau sự cố máy bay của Malaysia gặp nạn, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airline cho biết: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã chính thức đề nghị, triển khai áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh cấp độ 1 trong khai thác bay. Đề nghị, triển khai đánh giá áp dụng một loạt các biện pháp an toàn an ninh ở cấp độ cao nhất, cấp độ 1 với mạng bay Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố khâu mặt đất, sân bay cửa ngõ hành khách đi lại, hành lý trao đổi chuyến bay chuyển tiếp cần phải có biện pháp siết chặt./.