Sự việc xảy ra sau khi chiếc Airbus A321 vừa kết thúc hành trình từ Đà Lạt và đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này, bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra như thường lệ thì phát hiện ốp bảo vệ quạt làm máy phanh máy bay đã bị rơi.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật hôm 26/3, mang dấu hiệu đăng ký quốc tịch tàu bay VN-A397.
Máy bay Vietnam Airlines bị rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh hôm 26/3 (Ảnh: Dân trí) |
“Sau thực hiện chuyến bay Đà Lạt (DLI) - TP HCM (SGN), nhân viên kỹ thuật tại Tân Sơn Nhất kiểm tra phát hiện ốp bảo vệ quạt làm mát phanh máy bay đã bị rơi mất. Qua kiểm tra đường cất hạ cánh tại 2 đầu sân bay thì chiếc ốp này đã được tìm thấy ở sân bay Liên Khương, vật thể này nằm gần đường CHC 09” - Cục Hàng không cho biết.
Ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, ngày 27/3 Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản số 994/CHK-TCATB báo cáo nhanh về sự cố tới Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Cục Hàng không đã thành lập Tổ công tác kiểm tra xác minh vụ việc do ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam làm Tổ trưởng. Các thành viên gồm các chuyên viên của Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và Cảng vụ Hàng không miền Nam. Hiện vụ việc đang được tiến hành xác minh làm rõ và báo cáo các cấp theo quy định.
Liên quan đến vụ việc này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng thực hiện tăng cường công tác kiểm tra bảo dưỡng, giám sát.
Theo đó, các hãng hàng không và Tổ chức bảo dưỡng Việt Nam phải nhanh chóng phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam tiến hành kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ vụ việc; Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về bảo dưỡng, khai thác máy bay; Xem xét lại quy trình và tăng cường kiểm tra công tác bảo dưỡng ngoại trường đối với tất cả các máy bay trong quá trình chuẩn bị trước chuyến bay, đặc biệt công tác kiểm tra, bảo hiểm các tấm ốp, nắp công tác, khu vực càng, động cơ, tấm điều khiển. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo sự cố, báo cáo định kỳ và đột xuất.
Phòng tiêu chuẩn an toàn bay - Cục Hàng không Việt Nam và các Cảng vụ Hàng không nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân các sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, xem xét lại các vụ việc liên quan; tổ chức và chỉ đạo công tác giảng bình an toàn, thực hiện ngay các biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn, phòng ngừa việc tái diễn.
Các Cảng vụ Hàng không khu vực tăng cường công tác kiểm tra an toàn tại sân đỗ, đặc biệt kiểm tra công tác chuẩn bị trước chuyến bay, bảo dưỡng ngoại trường tại sân đỗ vào buổi tối./.