Sau khi 2 phi cơ AN26 trở về đất chuyển thông tin, tiếp nhiên liệu, phía Việt Nam điều thêm nhiều lực lượng, cả trực thăng quân đội, thủy phi cơ, tàu cứu hộ lớn tiến ra biển. Diện tìm kiếm máy bay Malaysia mở rộng thêm 100km2 về phía Tây Bắc. 

Qua 2 ngày tìm kiếm, khẳng định có vết dầu loang trên vùng biển tìm kiếm, cho nên đã Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không hội ý khẩn về những vấn đề cấp bách, quyết định điều động thêm trực thăng, thủy phi cơ Việt Nam hướng ra biển tìm kiếm. Đội bay được huy động có một chiếc thủy phi cơ xuất phát từ Tân Sơn Nhất, bay ra vùng biển máy bay Malaysia mất tích.

Thông tin cập nhật đến thời điểm hiện tại, máy bay C150 của Singapore báo về cho biết đã bay rất thấp với mặt biển và xác định vết nước khác màu phát hiện được trên biển đúng là dầu loang. Quan sát xung quanh khu vực này thấy có nhiều tàu cá hoạt động.

cuunanmaybay.jpg
Khoanh vùng tọa độ máy bay gặp nạn

Trong một diễn biến khác, vào lúc 13h50’ ngày 9/3, thông tin báo về Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông tin của Tổ bay VN261 – Vietnam Airlines đang thực hiện chuyến bay đi qua địa phận xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bắt được 1 tín hiệu SOS vào lúc 10h3’ ngày 9/3, trên khu vực rừng quốc gia Cát Tiên.

Ngay khi nhận được thông tin, tổ bay đã thông báo cho cơ quan chức năng để báo cho các phương tiện khác đi qua khu vực tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết đây không phải là tín hiệu của chiếc máy bay bị mất tích.

Chiều nay, Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia tổ chức cuộc họp khẩn tại Bộ Quốc phòng, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Sở Chỉ huy Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay cho biết, việc tìm kiếm máy bay mất tích, nếu thấy trong vùng không phận của Việt Nam thì Việt Nam sẽ chủ trì trong công tác điều tra, kể cả điều tra về người và phương tiện, công việc này sẽ phải lên kế hoạch để báo cáo Phó Thủ tướng.

Trong đó, Sở Chỉ huy kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm toàn bộ những gì còn sót lại của máy bay để đưa về căn cứ tiền phương là huyện đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Dự kiến khi đó sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh như ăn, ở đối với khoảng 800 thân nhân các nạn nhân và quan chức cần giao cho địa phương bố trí. Vấn đề tiếp theo là công tác điều tra tai nạn, công tác này do Ủy ban Quốc gia về điều tra tai nạn thực hiện, sẽ phải điều tra đối với người, nạn nhân, máy bay…

Dự kiến Ủy ban điều tra quốc gia do Bộ Giao thông vận tải làm chủ tịch cùng các thành viên là cơ quan chức năng có liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ mời thêm các đơn vị khai thác (Malaysia), thiết kế và chế tạo máy bay (Mỹ), nước có nhiều người trên chuyến bay nhất như Trung Quốc... tham gia ủy ban điều tra./.