Mấy ngày qua ở vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam trời nắng nhưng vùng thượng lưu lại có mưa lớn nên các thủy điện Đăk My 4, A Vương xả lũ với lưu lượng lớn, nước sông dâng nhanh đến 4 m trong tích tắc, xấp xỉ báo động 3. Trong khi đó, thông tin xả lũ đến chậm nên nhiều người không kịp trở tay. Đã có 3 người bị lũ cuốn trôi. Chủ đầu tư thủy điện và cơ quan chức năng cho rằng thủy điện đã xả lũ đúng quy trình. Phải chăng quy trình xả lũ  còn nhiều bất cập?

thuy-dien-dakmy-4-xa-lu-don.jpg
Thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu xả lũ vào sáng 2/10 với lưu lương 2.000m3/s. 

Trời nắng nhưng người dân vùng hạ du thủy điện luôn bất an bởi   tối 2/10, lũ đổ về gây ngập lụt thật sự ở nhiều xã ven sông. Hơn 1.600 người dân huyện Đại Lộc đã phải sơ tán trong đêm 2/10. Tại xã Đại Quang rạng  ngày 3/10,có 70 hộ dân tại thôn Trường An phải chạy lũ. Lũ thuỷ điện đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương, nhiều tuyến giao thông quan trọng bị chia cắt dù trời không mưa. Chưa kể những thiệt hại vật chất, xả lũ thuỷ điện rõ ràng đã làm tổn thương cả tinh thần, đánh mất sự bình an của người dân là điều có thật.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương phải dùng còi hụ và kẻng báo động để thông báo cho dân biết thông tin, trường hợp mất điện thì báo qua đài truyền thanh huyện và qua tần số của radio. Từ radio trưởng thôn phát tín hiệu qua loa cầm tay và hiệu lệnh cho nhân dân biết.

Điều đáng nói là trong khi quy trình xả lũ liên hồ trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành từ năm 2010, nhưng đến nay,  việc vận hành còn lúng túng, lộ diện những bất cập. Cụ thể ngày 2/10, trên cùng hệ thống sông Vu Gia, trong lúc thuỷ điện Đắk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lớn 1.800m3/s- 2.744m3/giây, thì thuỷ điện sông Bung 4A cũng xả tràn với lưu lượng 500- 1.000m3/s, thuỷ điện A Vương cũng xả lưu lượng 50- 150m3/s. Báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung cho biết: Lúc 12 giờ ngày 2/10 thủy điện Đăk Mi4 xả lũ về hạ du với lưu lượng 2.744 m3/s  làm cho mực nước các sông vùng hạ du lên nhanh bất thường.  

Nước lũ khiến người dân trở tay không kịp

Sau khi lãnh đạo văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương trao đổi với lãnh đạo công ty thủy điện Đăk Mi 4 thì lưu lượng xả lũ của thủy điện này mới giảm xuống 814m3/s vào sáng 3/10. Mặc dù quy chế vận hành liên hồ có quy định phải vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên, là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện trước tiên, sau đó là “góp phần giảm lũ cho hạ du đồng thời đảm bảo hiệu quả phát điện. Nhưng nhiều hồthuỷ điện xả cùng lúc, hạ du  bị ngập lụt là điều không tránh khỏi. Trong hội nghị bàn về an toàn hồ đập được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ ngành phải cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa, bởi thực tế luôn luôn thay đổi, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường: Quy trình điều tiết hồ chứa đã  lâu rồi cần  phải cập nhật điều chỉnh. Trong quy định hiện hành đã có đưa ra các quy trình điều tiết thấy bất hợp lý là phải điều chỉnh. Kể cả quy trình liên hồ chứa nghiên cứu lâu, xây dựng ban hành ra cũng phải điều chỉnh”.

Thế nhưng, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm túc. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt thành phố Đà Nẵng cho rằng thông tin xả lũ của thủy điện Đăk My 4 còn đi vòng mà chưa đến trực tiếp đến với UBND các huyện vùng hạ du, khiến việc triển khai thông báo đến với dân còn chậm: “Đăk My 4 phải có tin tức truyền về ngay cho Đại Lộc và Nam Giang cho dân biết chủ động luôn chứ không nên đi vòng lên tỉnh rồi vòng xuống lại là nó mất thời gian”./.