Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc ứng phó với hoàn lưu bão số 11 là đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập thủy lợi. Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, cử 3 đoàn công tác về các tỉnh miền Trung, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai những giải pháp cụ thể. Liên quan đến vấn đề này, PV VOV có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dẫn đầu 1 trong 3 đoàn kiểm tra an toàn hồ đập tại các tỉnh miền Trung.

PV:  Thưa ông, ông có thể cho biết hiện nay công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Miền Trung được chính quyền và ngành chức năng địa phương triển khai như thế nào?

Ông Hoàng Văn Thắng: Nhận định cơn bão số 11 có khả năng có mưa lớn, đặc biệt là các tỉnh Bắc và Bắc Trung bộ, hiện nay chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm triển khai các hồ đập ở Hà Tĩnh và một nhóm ở Quảng Bình đã kiểm tra hồ Phú Vinh, Rào Đá và một số hồ khác.

Các tỉnh Bắc Miền Trung là các tỉnh có rất nhiều hồ đập. 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có 1.300 hồ đập đã chứa đầy nước nên việc đảm bảo an toàn hồ đập là hết sức quan trọng. Qua kiểm tra các hồ lớn cho thấy, với những hồ lớn có hệ thống cửa van, tức là có thể chủ động xả lũ thì chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý hồ đập đã quan tâm và chủ động kiểm soát lượng nước trong hồ. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các chủ đập chủ động xả nước trước mưa lũ. Tại các hồ mà chúng tôi đến kiểm tra thấy các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện các đồng chí tăng cường kiểm tra. Có những địa điểm chúng tôi kiểm tra đột xuất đều thấy lãnh đạo địa phương có mặt. Và các đồng chí cũng đã báo cáo là đối với các hồ đập nhỏ thì cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, ở những khu vực dự báo có mưa lớn với cường độ cao như ở phía Nam Thanh Hóa, phía Bắc Nghệ An cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa và các hồ nhỏ cũng đã chứa đầy nước nên việc giám sát là rất quan trọng.

lu.jpg
Thủy điện Hương Điền xã nước điều tiết để đón lũ. (Ảnh: Lê Hiếu)

PV:  Qua kiểm tra thực tế, ông cũng như đoàn công tác có lưu ý gì đối với các địa phương, nhất là những địa phương mà có hồ chứa đã đầy nước cần xả tràn rồi?.

Ông Hoàng Văn Thắng:Gần đây, tình hình mưa có những diễn biến phức tạp. Trong 2 năm theo dõi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì có những nơi mưa với cường độ rất cao và trong điều kiện lớp phủ hiện nay thì khả năng mưa dồn về các hồ cũng rất nhanh. Chúng tôi lưu ý các địa phương phải bám sát, phối hợp chặt chẽ với các đài khí tượng khu vực, nắm sát tình hình để chủ động.

Theo tôi, chủ động cảnh báo sớm, tăng cường nhận thức của nhân dân tại vùng lũ là rất quan trọng. Bởi các giải pháp công trình dù có làm đến bao nhiên thì chúng ta cũng không thể nào lường hết được. Cho nên phải tăng cường tính chủ động của cả người quản lý, chính quyền địa phương và người dân thì chúng tôi mới đảm bảo được an toàn hồ đập và những nguy cơ xảy ra.

PV: Thưa ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương như thế nào, nếu tình huống xấu xảy ra?

Ông Hoàng Văn Thắng: Với các hồ đập thì trong giai đoạn vừa qua Chính phủ đã rất quan tâm. Trong thực hiện triển khai an toàn hồ đập thì từ năm 2003 đến nay đã có 500 hồ đập lớn được nâng cấp. Những hồ vừa có lũ lớn như Hồ Vực Mấu, hồ Kẻ Gỗ đều được nâng cao năng lực đảm bảo an toàn.

Hiện nay, trong thời gian ngắn, chúng ta chỉ có thể tăng cường công tác cảnh báo, giám sát nâng cao năng lực xả lũ, nhưng về lâu dài thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện chương trình an toàn đập. Các chuyên gia đi đợt này của Đại học Thủy lợi, Viện khoa học thủy lợi... cùng với địa phương để giải quyết việc trước mắt nhưng đồng thời cũng để nắm bắt luôn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn hồ đập.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.