Cửa hàng xăng dầu đạt tiêu chuẩn của… lịch sử!

Tiếp xúc với phóng viên sáng 4/6, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), Công an TP Hà Nội cho biết: Sở Cảnh sát PCCC, Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Công thương được UBND TP Hà Nội giao quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên toàn thành phố. Điều này được tiến hành từ năm 2002. TP cũng đã có quy hoạch cửa hàng xăng dầu từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

ong-son.jpg
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Công an TP Hà Nội

Hiện có rất nhiều cây xăng nằm trong khu vực dân cư hoặc khu vực kinh doanh sôi động. Đây là do quá trình lịch sử để lại. Theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn trước đây, thì tất cả những cửa hàng xăng dầu đang hoạt động vẫn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo thời điểm lịch sử đó.

Lúc đầu công trình nằm ở vị trí độc lập, đảm bảo những điều kiện an toàn về PCCC. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những công trình khác tiến dần đến công trình cây xăng.

Hiện nay có khoảng 52 cửa hàng phải cải tạo, nâng cấp để đảm bảo điều kiện an toàn PCCC. TP cũng có quyết định di dời 65 cửa hàng xăng dầu ra khỏi vị trí hiện nay. TP sẽ giới thiệu những địa điểm kinh doanh mới cho những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị của Sở Công thương đi kiểm tra hàng loạt các đơn vị, bắt buộc các cây xăng phải cải tạo, sửa chữa để đảm bảo điều kiện an toàn PCCC” – ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn: Cây xăng bị cháy trên phố Trần Hưng Đạo thuộc phạm vi quản lý của quân đội. Cửa hàng này trước đây phục vụ công tác nội bộ. Sau này bên quân đội xin quy hoạch vào mạng lưới chung.

Ông Sơn khẳng định, các cửa hàng xăng dầu được phân loại theo quy định của Bộ Công an và được kiểm tra định kỳ. Việc kiểm tra này trước hết là thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Sở Cảnh sát PCCC.

Cháy do không nghiêm ngặt trong quá trình nhập xăng

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, cho biết: Tính đến 31/12/2011, toàn thành phố Hà Nội có 489 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động. Qua khảo sát của các cơ quan liên ngành, một số cửa hàng xăng được xác định phải di dời hoặc cải tạo, sửa chữa để đảm bảo vấn đề an toàn cho thành phố.

Nguyên nhân vụ cháy tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo ngày 3/6 ban đầu được nhận định là xảy ra trong quá trình xuất nhập xăng vào bồn chứa. Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trong tất cả quá trình xuất và nhập, các thao tác đều được quy định và tiến hành rất chặt chẽ tại cửa hàng, để đảm bản an toàn. Thứ nhất, xe bồn được quy định đỗ ở những vị trí nhất định, phải thăng bằng để kiểm tra mức xăng, chất lượng xăng (đây là về mặt kỹ thuật). Thứ hai, về vấn đề an toàn phòng cháy, cần phải đỗ tĩnh nhất định để đảm bảo việc tích điện bên trong xe trong quá trình vận chuyển được xử lý để bảo bảo không xảy ra sự cố phóng tích điện.

Do đó, khi nhập hàng, cửa hàng phải có trách nhiệm thông báo cho khách hàng cảnh giác về khu vực nguy hiểm; hướng dẫn cho xe téc vào chỗ quy định; lái xe và cửa hàng phải sử dụng nam châm tích điện để lắp vào thành xe, đảm bảo toàn bộ tích điện sinh ra trong quá trình vận chuyển xăng dầu nếu còn tồn tại sẽ được chuyển tiếp xuống dưới đất, để không sinh ra hiện tượng phóng điện khi nhập hàng.

Chiến sỹ Phạm Văn Phúc bị bỏng lửa xăng 20%, đang được điều trị tại BV Saint Paul

Cửa hàng cũng cần phân công lực lượng cảnh giới, không cho người không có trách nhiệm vào trong khu vực nhập hàng, không sử dụng nguồn nhiệt xung quanh khu vực cửa hàng hoặc khu vực đảm bảo an toàn. Trường hợp cửa hàng chật chội thì phải ngừng việc bán hàng. Những thao tác kỹ thuật cũng phải được tiến hành đúng quy định trong quá trình xuất nhập hàng, như kiểm tra các mối nối, từ xe bồn cho đến họng nhập kín… đảm bảo không được rò rỉ.

Trong quá trình nhập hàng, bắt buộc lái xe và cửa hàng phải có người cảnh giới quá trình nhập hàng, phòng trường hợp để xảy ra mất an toàn như rò rỉ trên đường ống từ xe bồn vào họng nhập và ngược lại. Nếu phát hiện sự cố phải có biện pháp khắc phục ngay mới được tiếp tục nhập hàng.

Khi nhập hàng cần phải định lượng và phương tiện chữa cháy cần thiết phải để gần vị trí nhập hàng, phải phân công rất cụ thể để làm sao các nhân viên có thể xử lý sự cố ngay từ lúc ban đầu. Đây là những quy định hết sức chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu trời dông, sấm sét thì tuyệt đối không được nhập hàng. Các thiết bị sinh nhiệt cũng được cấm sử dụng trong quá trình nhập hàng.

Cây bị cháy khô

Khi nhập hàng xong, cần kiểm tra kỹ thuật bảo đảm an toàn, thực hiện các động tác kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong trường hợp xuất hàng không đảm bảo độ kín, khít của ống dẫn, van, khớp nối… có thể tạo nên hiện tượng rò rỉ xăng dầu ra bên ngoài; hơi xăng dầu khuếch tán ra môi trường không khí và có thể gây cháy nổ. Trường hợp xăng dầu rơi vãi ra ngoài, trôi theo dòng nước, khi gặp nguồn nhiệt sẽ gây cháy ngược trở lại nơi đang nhập hàng./.

Trong năm 2012, Sở Cảnh sát PCCC đã phạt 2.789 trường hợp với số tiền hơn 2,57 tỷ đồng, trong đó phạt 159 trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển xăng dầu với số tiền hơn 276 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay, toàn Sở đã xử lý hành chính 1.356 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.