Sự mất tích của máy bay thuộc Hãng Hàng không quốc gia Malaysia là vô cùng khó hiểu. Đây là nhận định chung của các chuyên gia Hàng không hàng đầu thế giới. Theo lãnh đạo của một hãng hàng không dân dụng của Mỹ, không thể hiểu nổi bởi chiếc máy bay được thiết kế với những tính năng an toàn vượt trội nhưng lại biến mất không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.

vat-the-la.jpg
Vị trí máy bay Singapore phát hiện vật thể lạ - manh mối mới nhất vụ máy bay Malaysia mất tích  (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất lúc này là điều gì đã xảy ra với chiếc Boeing 777-200 của Malaysia. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), ông có nhiều năm làm cơ trưởng Boeing 777-200, là cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia.

** Thưa ông, cho tới lúc này, Malaysia Airlines vẫn chỉ xác nhận là chiếc Boeing 777-200 cất cánh rời thủ đô Kuala Lumpur ngày 8/3 là bị mất tích. Hiện vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào của chiếc máy bay này, manh mối khả nghi duy nhất là 2 vết dầu loang lực lượng cứu hộ Hàng hải của Việt Nam phát hiện trên vùng biển nghi máy bay bị rơi gần mũi Cà Mau. Rất nhiều người đặt câu hỏi, ngay cả trong trường hợp máy bay gặp nạn thì tại sao phi công không phát tín hiệu cấp cứu?

Phi công không thông báo bất cứ một tin tức nào về máy bay và tự nhiên mất tín hiệu trên màn hình, thông thường khi máy bay hoạt động, tín hiệu radar được đặt và phát liên tục trong suốt quá trình bay để tất cả các trung tâm kiểm soát không lưu nhận dạng máy bay để biết được máy bay có đi đúng đường hay không, đúng độ cao hay không. Đó là nghiệp vụ của kiểm soát không lưu, họ sẽ tính được.

Điều mà tôi đặc biệt quan tâm là tự nhiên họ bị mất tín hiệu truyền, nghĩa là họ không thể phát được tín hiệu của mình đi, không phát được tên của họ cho kiểm soát không lưu và họ bị mất trên màn radar nghĩa là có điều gì đó rất đột ngột.

Tôi nghĩ trong trường hợp bị khủng bố phi công vẫn có thời gian để báo về các trung tâm kiểm soát không lưu hoặc bị trục trặc kỹ thuật, chết máy thì phi công vẫn báo được. Ở trường hợp máy bay của Malaysia không có bất cứ tin tức gì nên kết luận chiếc máy bay bị làm sao là rất khó khăn.

Trong trường hợp này, tôi nghĩ máy bay có thể bị nổ hoặc bị vỡ nên phi công không kịp bấm vào micro để nói được. Chuyện chết máy, chết một động cơ là bình thường. Máy bay còn một động cơ vẫn có thể bay thêm mấy tiếng đồng hồ nữa.

** Một số chuyên gia hàng không quốc tế đã có sự so sánh vụ máy bay mất tích của Malaysia với vụ rơi máy bay của hãng Airfrance của Pháp trên Đại Tây Dương vào năm 2009 khiến 228 người thiệt mạng. Theo đó, máy bay Pháp bị rơi khi phi công mất kiểm soát sau khi một tinh thể băng ảnh hưởng tới các máy cảm ứng đo vận tốc của máy bay. Ông có cho rằng, giả thiết này có thể xảy ra với chiếc máy bay Boeing bị mất tích của Malaysia hay không?

Tôi không nghĩ thế vì nếu sự cố do băng đóng các máy cảm ứng đo vận tốc, thì máy bay vẫn có thể bay bình thường và phi công biết tình hình đó có thể báo về. Những tình huống kiểu như thế đều có hướng dẫn xử lý cả, không có gì khó.

Nói chung, không có tai nạn nào giống tai nạn nào, nhưng ở trường hợp máy bay Malaysia, tôi nghiêng về máy bay bị nổ nhiều hơn.

Qua thông tin trên mạng, tôi được biết có 2 hành khách đi trên máy bay sử dụng hộ chiếu đánh cắp của một người Italy và một người Áo. Đây cũng có thể coi là một chi tiết để đặt ra vấn đề.

** Máy bay Boeing của Malaysia bị mất tích Bộ GTVT của Việt Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh hàng không. Theo ông, thời gian tới, các hãng hàng không của Việt Nam cần thực hiện những biện pháp gì để bảo đảm an ninh hàng không và nâng cao chất lượng bay hơn nữa?

Theo tôi, vào thời điểm thế giới hiện nay đang có nhiều khuynh hướng và những cuộc chiến tranh lạnh, chiến tranh nội bộ, nhiều lý do để người ta có thể phá hoại, vì vậy vấn đề an ninh hiện nay cần phải được tăng cường hơn. Sau vụ 11/9, người Mỹ đã tăng cường an ninh ở mức độ cao, ở châu Á, vấn đề an ninh cũng đã được chú trọng, tăng cường nhưng theo tôi, ở đâu đó vẫn còn sơ hở. Tôi kể về một kinh nghiệm của Vietnam Airlines, ví dụ khách lên máy bay quậy phá thực ra đó là ý thức đi máy bay của người Việt Nam hiện chưa được đồng nhất. Có người nghĩ họ bỏ tiền ra đi máy bay thì có thể làm gì cũng được. Thật ra không phải người ta làm thế để bảo vệ tính mạng cho mình, khi lên máy bay, nhân viên hàng không có trách nhiệm phải làm các thủ tục, các bước là để bảo vệ tính mạng cho hành khách chứ không phải vì họ. Vì thế, có thể nhấn mạnh rằng, mọi người đều phải có ý thức cùng nhau đóng góp, bảo vệ an toàn cho chuyến bay. Tôi nghĩ rằng đấy là điều mà tất cả các hãng hàng không và các trung tâm quản lý của các sân bay đều phải tăng cường các bước bảo vệ an ninh cần thiết. Mọi công dân đi máy bay cũng nên thông cảm cho nhân viên hàng không.

** Xin cảm ơn ông!./.