Cha bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối, hai em Nguyễn Đức An (10 tuổi) và Nguyễn Thị Giang (8 tuổi) sống lay lắt qua ngày vì nhà không có tiền mua gạo. Hai em đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.

Trong căn nhà tình nghĩa đơn sơ, anh Nguyễn Đức Vượng (37 tuổi ở Khu 2 xã Lâm Lợi, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) thở nặng nhọc vì căn bệnh ung thư phổi di căn hành hạ. Cuộc đời của anh gắn liền với những bể dâu thăng trầm của cái đói và cái nghèo.

ung_thu_11_wuhb.jpg
Bữa ăn của anh Nguyễn Đức Vượng chỉ là mì tôm

Anh kể, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em nên chỉ học hết lớp 4 đã phải nghỉ học đi làm phụ giúp bố mẹ, kiếm tiền lo cái ăn cái mặc hàng ngày. Lớn lên, anh xây dựng gia đình với chị Thắm và sinh được hai người con. Bao nhiêu năm nay, gia đình anh thuộc vào hộ nghèo của xã.

Anh nói: Đời mình đã khổ nên không muốn hai con phải khổ theo, nên từ năm 2013, vợ chồng anh đã bàn bạc vay vốn hỗ trợ của xã để anh làm trang trại, còn chị thì lên Hà Nội làm osin cho người ta. Nhờ hay lam hay làm mà kể từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, gia đình anh chị đã thoát khỏi cái danh xưng “hộ nghèo của xã”.

Nhưng rồi định mệnh lại trớ trêu, những tưởng rằng cuộc sống gia đình đã bước sang một trang mới thì tháng 8/2015, sau những cơn ho dữ dội cả tháng không dứt, anh đi khám ở BV huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và làm xét nghiệm, các bác sỹ cho biết anh bị tràn dịch phổi, hút dịch rồi sau đó ký giấy chuyển thẳng xuống BV Lao Phổi Trung ương.

Ở bệnh viện này, các bác sỹ kết luận anh bị lao màng phổi và yêu cầu mổ gấp, nhưng vì không có tiền nên nằm điều trị được 2 tuần anh xin về nhà điều trị bằng thuốc nam. Về nhà được 2 tháng, bệnh tình của anh càng ngày càng nặng. Tháng 10/2015, một lần nữa anh phải đi cấp cứu tại bệnh viện Lao Phổi Trung ương.

Hai con nhỏ của anh Vượng có nguy có thất học

Lần này các bác sỹ cho biết anh bị ung thư phổi di căn hạch cổ phải điều trị bằng phẫu thuật và xạ trị, nhưng lại một lần nữa anh phải ôm bệnh tật trở về nhà khi số tiền điều trị quá lớn, trong khi tiền vay nợ để chữa bệnh lần lần trước gia đình anh vẫn chưa trả hết.

Trở về nhà trong nỗi đau bệnh tật hành hạ, anh Vượng đau lòng khi nhìn hai con thơ còn nhỏ dại. Rồi đây các con của anh sẽ ra sao khi anh bị bệnh hiểm nghèo, gia đình lâm vào cảnh nợ nần tù túng. Đời của các con anh sẽ lại nghèo khó như bố mẹ nó vì không được đi học tử tế, không được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Chị Thắm, vợ của anh trước kia làm osin trên Hà Nội, nhưng từ ngày anh bị bệnh, chị ở nhà chăm sóc anh và hai con nhỏ cùng mẹ già nên giờ gia đình anh không có thu nhập.

Ông Hà Mạnh Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Lợi cho biết: Gia đình anh Vượng, chị Thắm có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 14 thước đất. Trước kia gia đình anh thuộc hộ nghèo của xã, mới thoát nghèo được 2 năm thì tháng 12/2015, khi anh Vượng bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối thì gia đình lại tái nghèo.

 

“Kể từ khi anh Vượng bị bệnh, chính quyền, đoàn thể cùng bà con nhân dân trong xã đã quyên góp tiền xây cho gia đình anh cái nhà để có chỗ trú mưa trú nắng. Trước kia anh chị cùng 2 người con và mẹ già ở trong căn nhà lá đơn sơ này” - vừa nói, ông vừa chỉ vào căn nhà lá của gia đình anh Vượng.

Khi được hỏi về việc học của hai cháu bé, ông Hà Mạnh Dũng cho biết, chính quyền xã và nhà trường sẽ tạo điều kiện hết sức để hai cháu có thể đến trường bằng cách miễn giảm học phí cho hai em.

Trong căn nhà lụp xụp của anh Vượng không có một đồ vật gì có giá trị. Hàng ngày, chị Thắm phải đi làm thuê, cuốc mướn cho người ta để lấy tiền đong gạo cho hai con. Nhưng chẳng may ngày nào không có việc làm thì 3 mẹ ăn cháo sống qua ngày, còn anh Vượng thì bữa ăn mì tôm, bữa được bát cơm nóng. Hằng ngày, ngoài đi học ra, cháu An còn phải giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc bố và em gái nhỏ.

Chị Thắm nghẹn ngào nói trong nước mắt: Hàng ngày phải chứng kiến cảnh chồng bị bệnh tật hành hạ, hai con thơ đói rét mà lòng quặn đau.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin gửi về: 

Chị Nguyễn Thị Thắm (vợ anh Vượng). Địa chỉ: Khu 2 - xã Lâm Lợi - huyện hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ. ĐT: 01692176780.

Hoặc Báo điện tử VOV, số 45 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội./.