Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm cùng những di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú. Việc phát huy “kho tàng di sản”, phát triển du lịch ngày càng được chú trọng.
Quần thể di tích Huế là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã xây dựng 21 điểm đón khách từ khu vực Đại Nội đến các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định với nhiều hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế; thưởng thức Nhã nhạc và ẩm thực tại Nhà hát Duyệt Thị Đường...
Tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch tại khu di sản Huế. |
Mới đây, tại Đông Khuyết Đài, Đại Nội Huế, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thời Gian Vàng đã tổ chức không gian văn hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa như: biểu diễn, triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Đây là một không gian đa dạng, đầy màu sắc của những hoạt động văn hóa, trưng bày và bán các sản phẩm từ những ngành nghề thủ công truyền thống như sơn mài, thêu, kim hoàn, mây tre... Đến đây, khách tham quan được trải nghiệm show văn hóa trà Việt và các hoạt động trình diễn nghề truyền thống như: kim hoàn, lụa, da, giấy dó.
Bà Trần Thu Trang, Giám đốc điều hành Đông Khuyết Đài cho biết: "Trong mỗi show diễn đều có múa cung đình, có trà nương kể chuyện cho khách nghe. Trà nương vừa kể chuyện vừa giao lưu, nói về những công đoạn để pha trà theo phong cách cung đình, giải thích cho khách những công đoạn pha trà và thưởng thức nó như thế nào, tức là phải cố gắng truyền tải được làm sao cho khách họ cảm nhận được cái tinh túy trong show diễn thưởng trà".
Tái hiện các hoạt động cung đình tại khu di sản Huế để phục vụ khách du lịch. |
Sau hơn 25 năm, kể từ khi UNESCO công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam, công tác bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được những kết quả quan trọng. Cho đến nay, hàng trăm công trình di tích lớn nhỏ của kinh thành Huế xưa đã được trùng tu. Tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, hệ thống Trường lang… Những kết quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã góp phần gìn giữ nét đẹp Cố đô, tạo đà phát triển cho ngành du lịch. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa các giá trị di sản Huế đến gần hơn với du khách và cộng đồng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, hơn 3 triệu lượt khách tham quan các di tích khu Di sản Huế, tổng doanh thu bán vé hơn 340 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Thời gian qua bên cạnh những nỗ lực thu hút nguồn khách đến với vùng đất cố đô thông qua việc khai thác các di sản vật thể và phi vật thể, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang cải thiện dịch vụ du lịch, tập trung vào phát triển du lịch thông minh, du khách khám phá vẻ đẹp và giá trị lịch sử văn hóa của Huế.
Đông đảo du khách nước ngoài tham quan Đại Nội Huế. |
Ông Phúc nói: "Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức một số hình thức du lịch thông minh như sử dụng mã vạch QR Code để truy cập thông tin và hình ảnh của hiện vật đang trưng bày trong bảo tàng. Hoặc thông qua thực tế ảo VR du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm một số công trình di tích từng tồn tại trong hoàng cung nhưng bây giờ không còn hiện hữu nữa và gần đây nhất Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã lên kết với công ty Vietsoftpro để triển khai dịch vụ hệ thống thuyết minh tự động trong di tích và 3 lăng chính".
Các chuyên gia về di sản cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có thêm những cách tiếp cận mới, hướng phát triển đặc trưng, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại để phát huy hiệu quả hơn nữa các giá trị di sản trên mảnh đất Cố đô, gắn phát triển du lịch với tăng trưởng kinh tế bền vững./.