Năm 1993, quần thể Di tích Cố đô Huế, di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa Thế giới. 25 năm qua, gần 200 công trình di tích thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế được trùng tu, bảo tồn và khai thác du lịch. Hiện, hàng trăm di tích ở khu vực I quần thể Di tích Cố đô Huế cần được bảo vệ nghiêm ngặt đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng.
Trong khi đó, Dự án “Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh Thành Huế” triển khai 7 năm nay lại "dẫm chân tại chỗ". Đây cũng là trở ngại lớn khi tỉnh này xây dựng hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO.
Người dân lấn chiếm Thượng Thành, Kinh Thành Huế xây nhà để ở . |
Những ngôi nhà dột nát, tạm bợ và nhếch nhác được xây dựng trên khu Thượng Thành, thuộc Di tích Kinh thành Huế tồn tại hàng chục năm nay ngày càng xâm hại nghiêm trọng đến Di tích Cố đô Huế.
Hơn 30 năm trước, vợ chồng ông Thái Văn Biểu, ở tổ 14, phường Thuận Lộc, thành phố Huế dựng tạm căn lều bằng tôn và bạt ngay khu Thượng Thành để ở. Hàng ngày, chồng làm thợ nề, vợ bán hàng rong để kiếm sống. Cả gia đình 5 người sống chen chúc trong cái lều tạm bợ chừng 20m2, nắng dọi, mưa dột tứ bề.
Ông Thái Văn Biểu cho biết, nhà nước đã có chủ trương giải tỏa dân để trùng tu di tích này nhưng người dân vẫn mỏi mòn chờ đợi: "Kế hoạch giải tỏa có hơn 20 năm rồi nhưng bà con cứ chờ đợi. Nhà ở thì dột, xiêu vẹo cũng khó khăn, vệ sinh, môi trường, rác, tiểu tiện đều ra ngoài thành hết cả, rất nhiều khó khăn nên cần giải toả sớm để ổn định cuộc sống.
Quần thể Di tích Cố đô Huế có quy mô lớn nhất trong số các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam với hơn 1.400 công trình kiến trúc nằm ở 4 huyện, thị xã và thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau chiến tranh, quần thể Di tích Cố đô Huế còn khoảng 300 công trình, hầu hết đều hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xóa sổ. Đáng lo ngại là vẫn còn khoảng 6.000 hộ dân với 20.000 người hiện sống trong khu vực I thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế. Đây là khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Riêng khu vực Thượng Thành và Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế có hơn 1.200 hộ dân sinh sống.
Tình trạng người dân lấn chiếm Thượng Thành, Kinh thành Huế xây dựng nhà ở, canh tác tồn tại hàng chục năm nay. |
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì Kinh thành Huế dài hơn 10km, đắp bằng đất và xây gạch hai bên. Đây là công trình quan trọng bậc nhất trong hệ thống Di sản Văn hóa thế giới tại Huế. Việc người dân xây dựng công trình, nhà ở và canh tác trên Thượng Thành, xả rác, nước thải sinh hoạt… làm cho nền đất bị lún, gây nứt hỏng tường thành, xâm hại nghiêm trọng di tích.
"Hiện rất nhiều đoạn Kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ bị sụt lún khá nặng nề do tình trạng người dân sống ở trên đó. Rồi nước thải sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, đến sự bền vững của di tích", ông Phan Thanh Hải cho biết.
Đa số những hộ dân canh tác và làm nhà sống trên Thượng Thành thuộc Kinh thành Huế hàng chục năm nay. Nhiều hộ đến ở tại khu vực này từ trước năm 1975. Năm 1993, khi quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Thượng Thành - Eo Bầu trở thành khu vực I cần bảo vệ nghiêm ngặt. Cũng từ đó, người dân ở đây thuộc diện di dời, giải toả nên họ phải chịu cảnh nhà ở dột nát, xuống cấp mà không được sửa chữa, cơi nới. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chật chội, cũ nát, mỗi lần mưa bão là nơm nớp lo sợ.
Người dân canh tác trong khu vực 1 của di tích, khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt. |
Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt “Dự án đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh Thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011-2015.
Dự án gồm 2 hợp phần là: Giải tỏa 876 hộ dân sống ở khu vực Thượng Thành và Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế và triển khai tu bổ, chống xuống cấp di tích này. Hợp phần giải tỏa tái định cư do UBND thành phố Huế đảm trách; Hợp phần trùng tu, tôn tạo di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Thế nhưng đã 7 năm qua, mới chỉ có 170 hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế được di dời.
Một đoạn Thượng Thành, Kinh thành Huế bị xâm hại nghiêm trọng. |
Bà Phan Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, thành phố Huế cho biết, địa bàn phường còn hơn 400 hộ dân sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu đang chịu cảnh sống “treo” hàng chục năm nay: "Dự án này treo quá lâu, vì ở đây, bà con đa số là lao động phổ thông như: xích lô, xe thồ, đi làm thuê, làm mướn ở các vùng lân cận. Việc di dời, giải tỏa quá chậm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bà con".
Ngôi nhà tạm bợ của gia đình ông Thái Văn Biểu ở khu vực Thượng Thành Kinh thành Huế, phường Thuận Lộc, thành phố Huế. |
Vì sao Dự án đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế chậm trễ kéo dài?. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Huế, đơn vị chịu trách nhiệm giải tỏa, tái định cư dự án cho biết: Chính sách bồi thường tái định cư cho hộ dân sống trên di tích áp dụng theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Trị Thiên ngày 19/5/1976 được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Theo đó, những hộ dân xây nhà, sống trong khu di dích trước ngày 19/5/1976 mới được đền bù, bố trí đất tái định cư; sau thời điểm này chỉ được hỗ trợ di dời chứ không được đền bù đất ở. Trong khi đó, số hộ không được đền bù chiếm hơn 1 nửa, lại là những hộ nghèo, cận nghèo nên gặp nhiều trở ngại trong công tác di dời, giải toả.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, khó khăn hiện này là làm sao ổn định sinh kế cho hộ dân giải tỏa: "Khó khăn trong quá trình giải toả là hộ nghèo, hộ cần nghèo nên khi tái định cư nhà nước cũng phải có chính sách hỗ trợ. Chúng tôi đang tập hợp lại để báo cáo với hội đồng tư vấn, xin ý kiến của UBND tỉnh để xem xét và tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách tìm cách tháo gỡ, đảm bảo cho người dân có nơi ở mới tốt hơn"./.
Các công trình hiện đại tại Huế ảnh hưởng đôi bờ sông Hương
6.000 hộ dân còn sống trong khu vực các di tích Huế