Sáng 19/11, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và công bố quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” lần thứ nhất trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cho biết: “Bảo vệ văn hóa phi vật thể không thể tách rời việc bảo vệ con người, tức là bảo vệ các nghệ nhân – chủ thể sáng tạo di sản văn hóa. Tôn vinh nghệ nhân là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta”.
Các nghệ nhân của Thủ đô vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" |
Thủ đô Hà Nội có 39 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lần này. Họ là những người có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, xẩm, cồng chiêng, chèo tàu, hát Dô) và loại hình tri thức dân gian (ẩm thực, làm diều sáo, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống)…
Bà Phạm Thị Tuyết (Ánh Tuyết), một nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất vinh dự và phấn khởi khi được nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Đây là sự ghi nhận của Nhà nước đối với cá nhân tôi cũng như với các nghệ nhân đã và đang cố gắng lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn hồn cốt của dân tộc".
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng: "Công tác bảo vệ di sản và phát huy các giá trị văn hóa phải là một việc làm thường xuyên. Cần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Đồng thời, cần động viên, khuyến khích, huy động cả xã hội tích cực hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản cho mai sau”./.