Điều này đã khẳng định những giá trị to lớn của di sản, đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và thế giới. Cùng với việc được vinh danh, vấn đề đặt ra hiện nay là trách nhiệm của chúng ta trong việc tuyên truyền để người dân, những người thực hành tín ngưỡng nhận thức đúng giá trị di sản, từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương của nước ta, trong đó Nam Định được coi là trung tâm thờ cúng Thánh Mẫu. Hoạt động nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa thông qua hình thức hát văn, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn.
Trải qua thời gian, Tín ngưỡng thờ Mẫu, mà tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng đang dần bị biến dạng, bị thương mại hóa. Nhu cầu hầu đồng của người dân ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở các đền phủ, đặc biệt là các đền phủ lớn.
Tình trạng một số đền, phủ xuất hiện nhiều đồng đua, đồng đú - những người không có căn cốt hầu đồng nhưng chạy theo loại hình diễn xướng này như một sự cuồng tín, học hát vội vã qua băng từ, không theo quy chuẩn, làm mất đi nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Ảnh: Quang Hùng |
Để Tín ngưỡng thờ Mẫu giữ được những giá trị truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, theo nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thì cần xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật cung tiến, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc, cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch, tránh phô diễn, khoe khoang giàu có, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho rằng: "Hầu đồng là phải chuẩn, không được biến dạng, kể cả biến dạng về động tác, biến dạng cả về lời hát văn, đặc biệt là không được thương mại hóa và nếu như thế thì nó làm mất đi giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải tuyên truyền và quản lý, điều chỉnh, góp ý kiến chứ không thể quản lý một cách thô bạo được vì văn hóa tín ngưỡng rất tế nhị và tâm linh".
Ảnh: Quang Hùng |
"Phải tìm cách quản lý thích hợp để họ ý thức hơn về hành vi tín ngưỡng của họ. Cái quan trọng là phải tác động những chủ thể của văn hóa này để tự họ thay đổi, họ có ý thức rõ hơn trách nhiệm đối với di sản và bảo vệ di sản. Kinh nghiệm thấy rằng nếu họ đứng ngoài cuộc thì không thể nào thành công được" - Giáo sư Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
VIDEO: Tuyệt vời hầu đồng qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Mỹ
Quan trọng nhất vẫn là việc giáo dục đối với đội ngũ những người hành nghề của tín ngưỡng này và cũng phải để cho người dân người ta hiểu rất rõ, tín ngưỡng này không chỉ là có lên đồng mà còn rất nhiều thứ của nó như lễ hội, sáng tạo văn chương, nó có tình thương của người mẹ. Cho nên phải làm cho người dân nhận thức được và chính bản thân của ông đồng, bà đồng nhận thức được cái đó, kể cả những cái chúng ta cảm thấy là phức tạp nhất, ví dụ như ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín của hầu đồng, chứ còn không nên áp dụng các biện pháp hành chính quá cứng nhắc và máy móc.
“Tín ngưỡng thờ mẫu” được UNESCO công nhận là niềm tự hào
Song song với những biện pháp này thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người thực hành di sản và người dân là rất cần thiết, để những giá trị văn hóa, tâm linh tốt đẹp của di sản được gìn giữ và phát huy./.