Từ tối hôm qua đến rạng sáng nay, tại huyện vùng cao miền Tây Nghệ An như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong đã có mưa lớn và tiếng sấm rền.
Theo quan niệm của người dân tộc Thái ở đây thì tiếng sấm đầu tiên sau Tết Nguyên Đán báo hiệu năm mới thực sự đến với mọi người. Ngày này, mọi người cùng gọi nhau xuống đồng, lên rẫy lao động sản xuất và cùng cầu chúc cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Lễ vật cúng tiếng sấm đầu tiên trong năm. |
Trước kia, người dân tộc Thái không có Tết Nguyên đán nên Tết mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với họ. Lễ mừng tiếng sấm đầu tiên của năm rất đơn giản, chỉ là một chai rượu trắng, 5 chén rượu, 5 miếng trầu têm do một già bản khấn lễ. Thầy cúng đứng ra làm lễ trước sự chứng kiến của bà con dân bản.
Bà Vi Thị An, 85 tuổi, trú bản Mường Pòn, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu cho biết, lễ này thường chỉ diễn ra ở những nhà có người làm thầy Mo Mồn, tượng trưng cho uy quyền để trừ ma quỷ trong bản. Còn các gia đình chỉ luộc trứng để chà lên mặt trẻ con chúc phúc, cầu chúc phước lành cho bản thân mình.
"Ngày sấm rền đầu tiên nếu trời mưa thì hứng nước mưa rửa mặt, không thì lấy nước sông, nước suối cũng được, sau đó cầu chúc cho bản thân mình sau tiếng sấm đầu tiên, cầu chúc cho tôi khỏe hơn tê giác, mạnh hơn voi, lên rừng leo núi khỏe hơn người; Cầu cho tôi may mắn mọi điều, mọi người tin yêu, không vương lỗi mắc tội với ai, được dân tin quan quý. Những điều xấu, rủi ro lùi xa không tới", bà Vi Thị An nói.
Già bản cúng khấn cũng rất đơn giản. |
Tiếng sấm năm mới tầm tháng 2, tháng 3 năm sau được coi là tiếng sấm đầu năm và bà con mới tính cho năm mới. Do là ngày xưa không có lịch, không có đồng hồ, nên lễ mừng tiếng sấm là duy nhất. Ý nghĩa của Tết mừng tiếng sấm này là để tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, dân làng đoàn kết và cầu cho năm đó làm ăn suôn sẻ, phát đạt.
Theo Trưởng bản Mường Pòn, Lang Trọng Khâm, truyền thuyết của người dân tộc Thái: tiếng sấm đầu tiên có ý nghĩa báo hiệu là mọi người phải chăm lo lao động sản xuất chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm.
"Khi có tiếng sấm đầu tiên, quan niệm của chúng tôi là trời về, mới là năm mới cho nên mọi nhà mọi người, mọi dòng họ đều tổ chức lễ mừng năm mới. Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi phát động lễ hội xuống đồng, rồi tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và nhân dân người thì vào rừng làm nương rẫy, người xuống đồng chăm sóc cấy lúa", Trưởng bản Lang Trọng Khâm cho hay.
Việc tổ chức Tết mừng tiếng sấm - một phong tục ý nghĩa duy nhất còn được lưu giữ đến ngày nay là cách để đồng bào dân tộc Thái gìn giữ cội nguồn, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong những ngày tết mừng tiếng Sấm còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái và người dân còn tổ chức và tham các trò chơi vui năm mới./.