Sáng 26/11 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế "Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu di sản thế giới"
Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới |
Taị hội thảo, các đại biểu khẳng định: Quyền của những người sinh sống trong các khu di sản thế giới có thể bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào việc các cơ quan quản lý nhà nước nhận diện vấn đề này như thế nào.
Trên thế giới, trong những năm gần đây, sự quan tâm đến vai trò của cộng đồng trong việc thực thi các Công ước di sản thế giới ngày một tăng lên. Các vấn đề bảo tồn di sản đã được đặt trong mối quan hệ với quyền con người. Ở các khu di sản thế giới của Việt Nam như phố cổ Hội An, quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Vương quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Tràng An - Bái Đính ....bước đầu cộng đồng đã được giam gia làm du lịch, có thu nhập thông qua việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống, bán hàng lưu niệm, vận chuyển khách du lịch....
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sự tham gia của cộng đồng tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức như: người dân chưa thực sự có tiếng nói trong việc quản lý và quyết định những chính sách có liên quan đến di sản và đời sống của họ. Họ luôn phải đối diện với nguy cơ di chuyển đi nơi khác hơn là gắn kết cộng đồng tại khu di sản....Điều đó cần phải được điều chỉnh bằng các chính sách căn cơ của nhà nước nhằm đảm bảo cộng đồng có thể sống với di sản và trực tiếp tham gia bảo tồn di sản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia cho rằng: "Các hoạt động bảo tồn của chúng ta phải tạo ra được sự đồng thuận của cộng đồng. Cộng đồng ở đây phải hiểu là các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp xây dựng du lịch, khách tham quan... cũng là một thành viên cộng đồng". Ông đặc biệt nhấn mạnh: "cộng đồng những người đã sống lâu đời, cộng sinh với di sản hàng ngàn năm nay, họ phải có vai trò đặc biệt quan trọng hơn. Chính cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tri thức văn hóa bản địa của họ phải trở thành một bộ phận của giá trị di sản"./.