Bắt đầu từ ngày 8/3, một số hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức khởi động.
Tâm điểm của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này vẫn là khu vực Hội chợ - Triển lãm ngành hàng cà phê, được bố trí tại Bảo tàng Biệt Điện, số 02 Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột.
Một gian hàng cà phê được thiết kế ấn tượng
Với chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”, toàn bộ không gian khoảng vài hec-ta, dưới tán cây cổ thụ, hơn 730 gian hàng của hơn 230 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được sắp đặt khá ấn tượng. Trong đó có hơn 400 gian hàng chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê; số còn lại là các gian hàng giới thiệu các sản phẩm thương mại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đây là dịp để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm cà phê tới nhân dân trong nước và khách hàng quốc tế, đồng thời nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê.
Buôn Ma Thuột trong những ngày hội lớn |
Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Bộ tư lệnh Quân khu V cho biết: "Mục đích của Công ty cũng như mục đích của Hội chợ là nhằm quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột để cho khách hàng hiểu biết rộng rãi về sản phẩm của Công ty và sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột. Công ty chúng tôi đã đưa ra một số sản phẩm mới phù hợp với thị trường và thị hiếu khách hàng”.
Trong những ngày diễn ra hội chợ, Ban tổ chức sẽ xét thưởng và trao Cúp “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” và tổ chức cuộc thi “Đệ nhất pha chế cà phê Việt Nam lần thứ tư”.
Mặc dù sáng 9/3, Hội chợ - Triển lãm ngành hàng cà phê mới chính thức khai mạc, nhưng ngày 8/3, đông đảo du khách và người dân địa phương đã đến tham quan, thưởng thức cà phê miễn phí tại các gian hàng. Vui vẻ, phấn khởi và tự hào về xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng thế giới là cảm nhận chung của người dân Đắk Lắk.
Chị Quách Thị Cải ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột nói: "Không chỉ tự hào mà tôi cảm thấy rất vinh dự vì mình may mắn được sống ở thành phố Buôn Ma Thuột. Tôi thấy lễ hội rất đông vui, người dân ở tất cả các huyện đều lên để tham gia thưởng thức cà phê của các hãng cà phê của các doanh nghiệp”.
Hơn 730 gian hàng của hơn 230 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hội chợ.
Tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi sẽ diễn ra một số hoạt động chính của lễ hội, công tác chuẩn bị đang gấp rút hoàn thành. Sân khấu hoành tráng được thiết kế công phu, độc đáo để phục vụ các sự kiện chính như: Khai mạc, Bế mạc lễ hội và một số hoạt động của Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Đây sẽ là nơi trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của khoảng 400 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và đoàn nghệ thuật Campuchia, Lào, Rumania, Hàn Quốc.
Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức bước vào những ngày hội lớn – Đúng như chủ đề của Lễ hội, đó là nơi “Hội tụ tinh hoa, Phát huy bản sắc và Liên kết để phát triển”./.
Hương sắc, vị thế và giá trị trăm năm của cà phê Tây Nguyên
Cà phê Buôn Ma Thuột: Chuyện 100 năm và những héc-ta bạc tỷ
Ngày 10/3, khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6