Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi. Tuy vậy, công tác này đang gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp phù hợp trước mắt và lâu dài. 

vov__nghe_si_trong_cau_lac_bo_bai_choi_song_yen_hoa_vang_bieu_dien_dghz.jpg
Các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Bài Chòi Sông Yên - Hòa Vang.

Hiện nay, Bài Chòi ở Đà Nẵng tồn tại chủ yếu dưới hình thức các Cậu lạc bộ hô/hát Bài Chòi dân gian ở các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn. Tại huyện Hòa Vang, hô/hát Bài Chòi nhận được sự yêu mến của đại bộ phận người dân. Thế nhưng, hầu hết các nhóm/đội hô hát Bài Chòi hiện nay đều mang tính tự phát, không chuyên. Họ biểu diễn chủ yếu để thỏa niềm đam mê nghệ thuật, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân. Nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện đều do nhóm hát tự lo mà chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền. Vì vậy, nhiều nghệ nhân đam mê bộ môn nghệ thuật Bài Chòi đã bỏ nghề.

Chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi Sông Yên - Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng bày tỏ: "Nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước là hoàn toàn không có. Những anh chị em cộng tác viên, anh chị em nghệ nhân đa số người ta đều có công việc ổn định bên ngoài. Việc tham gia câu lạc bộ chỉ xuất phát từ niềm đam mê môn nghệ thuật Bài Chòi và muốn khôi phục lại loại hình nghệ thuật này để ngày càng phát triển và tránh sự mai một trong tương lai. Tuy nhiên vì nguồn thu quá thấp thì cũng rất là khó để níu chân người ta tham gia lâu dài hơn với loại hình nghệ thuật này".

Theo ông Trần Nhật Bằng, nguyên Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng thì Bài Chòi đang bị pha tạp và thương mại hóa. Bản chất của bộ môn nghệ thuật Bài Chòi là tập quán xã hội, phương thức sinh hoạt của người dân Trung bộ. Nếu loại hình nghệ thuật này bị thương mại hóa thì tính chất của nó dễ biến đổi.

Nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuât Bài Chòi cho rằng, hàng năm thành phố Đà Nẵng nên tổ chức nhiều hội thi về Bài Chòi vừa tạo sân chơi cho các nghệ sĩ, vừa thu hút người dân và du khách tham gia. Ngoài ra, Ngành Văn hóa nên tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới cho Bài Chòi và các vở kịch Bài Chòi. Việc bảo tồn và phát huy gia trị di sản Bài Chòi cần gắn với phát triển du lịch. Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã đưa Nghệ thuật Bài Chòi xuống phố, gây sự chú ý khá tốt đối với khách du lịch.

Bài Chòi là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy giá trị nhiều hơn nữa.

Bà Đặng Thị Kim Thoa, Phó Chủ nhiệm khoa Du lịch, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng cho rằng, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên giới thiệu video, băng đĩa, sách hoặc diễn xướng thực tế loại hình Bài Chòi.

Bà Thoa nói: "Chúng ta có thể liên kết với các trường đào tạo về du lịch để tổ chức những buổi tọa đàm, chương trình, hội nghị giao lưu với sinh viên. Tôi tin là nó có thể thu hút đối với sinh viên. Mà khi sinh viên quen rồi, thấy thích thú rồi, biết đâu chúng ta sẽ tìm được những anh hiêu, cô hiệu ngay trong tầng lớp sinh viên đó. Biết đâu lại là nguồn để chúng ta phát huy hiệu quả Bài Chòi một cách tốt nhất"./.