Năm 2009, Dân ca Quan họ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại cái nôi quan họ Kinh Bắc, nơi bờ bắc sông Cầu với không gian văn hóa đậm đặc trên đất Bắc Giang, nhiều thế hệ liền anh, liền chị đã và đang lưu giữ kho tàng quan họ cổ, bảo tồn bền vững di sản trong đời sống hiện đại.
Ở Bắc Giang có khoảng 42 CLB hát quan họ tại các làng xã, truyền dạy theo lối truyền miệng. |
Cứ đến chiều thứ 7, những câu hát quan họ vừa rộn ràng, vừa da diết, sâu lắng lại vang lên từ ngôi nhà cuối ngõ ở làng Hữu Nghi (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đó là câu lạc bộ quan họ có tuổi đời hơn 20 năm, và thành viên đều là các cụ ông, cụ bà từ 65 đến 80 tuổi. Ngày thường, họ là nông dân, tiểu thương hay giáo viên về hưu. Thế nhưng, khi khoác lên mình bộ áo mớ ba mớ bảy, đội nón quai thao, cất lời đối đáp với đôi mắt lúng liếng, họ trở thành các liền anh liền chị thanh lịch, duyên dáng, bỏ quên mọi tất bật thường ngày.
Bà Nguyễn Thị Mô và Nguyễn Thị Huấn, nay đã ở tuổi 80 là hai chị em ruột cùng sinh hoạt trong CLB. Hai bà kể, nhà có 6 chị em đều biết hát quan họ. Sống trong cái nôi dân ca, chẳng biết học từ bao giờ, những lời ca cứ đến tự nhiên như hơi thở: “Từ lúc bé cứ theo các chị, các bà hát quan họ. Ngày đó chưa có phong trào, giờ về hưu chúng tôi mới vào sinh hoạt câu lạc bộ. Làn điệu cổ hát khó nhưng ý nghĩa hay hơn, sâu sắc. Ví dụ như bài Mời nước mời trầu, Đốt đỉnh nhang trầm, Chim khôn đỗ ngọn thầu dầu”...
Cười móm mém, bà bảo, lối chơi của người quan họ và các kỹ thuật hát phải đạt được độ vang, rền, nền, nảy. Giờ các bà đều có tuổi, dù không hát vang được như lớp trẻ nhưng vẫn muốn góp sức cùng anh chị em gìn giữ, truyền dạy lối hát của quê hương.
Ông Trần Văn Thể, Chủ nhiệm CLB tự hào kể, Hữu Nghi là 1 trong 5 làng quan họ cổ (Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ đều thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang) thuộc 49 làng vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận lần đầu tiên. Tiếng hát, lời ca ở đây có những đặc trưng riêng của bờ bắc sông Cầu – con sông mẹ sản sinh ra quan họ. Đó là nguồn hòa trộn giữa sự trong sáng, rộn ràng của chèo, sự mặn mà của hát dặm, sự sâu lắng của ca trù, sự hồn nhiên của dân ca các vùng miền khác. Dù rằng quan họ ngày nay có phần dễ hát, âm hưởng phóng khoáng hơn, lại có nhạc đệm dễ đi vào lòng người nhưng những nghệ nhân ở làng vẫn kiên trì giữ lề lối cổ, bỏ ra nhiều công sức để sưu tập và truyền dạy rộng rãi những làn điệu xưa.
Ông Thể nói: “Chúng tôi học những làn điệu cổ lâu năm của cha ông các cụ ở trong làng. Rồi đầu tư sang TP Bắc Ninh sưu tầm và học hỏi, như tổ quan họ làng Viêm Xá, Khúc Toại, Trâm Khê, ghi lại lời và lề lối rồi về truyền lại cho CLB. Hiện nay CLB có nhiều người thuộc cả trăm bài”.
Nhiều năm qua, ông Thể, vợ ông là nghệ nhân Nguyễn Thị Dần cùng nhiều nghệ nhân khác đã mở lớp truyền dạy cho mọi lứa tuổi say mê hát quan họ, đặc biệt là các cháu thiếu nhi trong làng. Ở Hữu Nghi, nhiều cháu mẫu giáo chưa biết chữ nhưng đã tập tành hát được đôi ba câu, nhiều gia đình 3,4 thế hệ cùng hát, các bạn thanh thiếu niên đam mê tiếp tục học ngành nghệ thuật, chuyên nghiệp, bài bản hơn:
Thường xuyên, CLB tổ chức giao lưu với các làng khác, rồi dự hội hát của huyện Việt Yên, của tỉnh, quốc gia, nhiều nghệ nhân mang tiếng hát quan họ ra cả nước ngoài. Ngày hội làng nơi sân đình, gốc đa, liền anh liền chị có già có trẻ hòa tiếng hát tưng bừng, rộn rã.
Hai chị em bà Nguyễn Thị Mô và Nguyễn Thị Huấn đã ở tuổi 80 vẫn say mê với câu hát dân ca quê hương. |
Không chỉ Hữu Nghi, dân ca quan họ là dòng chảy, mạch ngầm văn hóa tại 17 làng quan họ khác nơi bờ bắc sông Cầu và nhiều làng quê trù mật của Bắc Giang. Theo ngành văn hóa Bắc Giang, có 10 nghệ nhân quan họ ưu tú được vinh danh nhưng có hàng trăm nghệ nhân khác tại các làng xã đang âm thầm gìn giữ những câu hát quan họ quê hương.
Ông Đào Trọng Ca, trưởng phòng Văn hóa huyện Việt Yên, Bắc Giang, cũng là một liền anh kinh nghiệm, tâm đắc khi kể về những hoạt động bảo tồn văn hóa quan họ của địa phương. Việt Yên thường xuyên tổ chức liên hoan tiếng hát quan họ, vừa thúc đẩy phong trào quần chúng, vừa phát hiện, đào tạo những liền anh, liền chị tài năng, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi lớn. Gần 100 lớp học quan họ cho mọi lứa tuổi đã được mở. Từ năm 2008, huyện phối hợp với doanh nghiệp tổ chức trại hè, đến nay đã truyền dạy cho khoảng 5000 em thiếu nhi những làn điệu mới phù hợp với lứa tuổi, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, nhà trường, quê hương.
Tuy vậy, về lâu dài, để bảo tồn bền vững di sản, thì quan họ phải thực sự sống trong cộng đồng và trở thành nét sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ông Đào Trọng Ca khẳng định:“Hiện nay phong trào được nhân rộng nhưng phải đi sâu vào chất lượng, tập trung chính vào lề lối hát truyền thống, trong cộng đồng người ta mới khai thác, sưu tầm, tìm bài khó để học. Chúng tôi gắn bảo tồn di sản quan họ vào phát triển du lịch của địa phương. Thông qua quan họ, mục tiêu chính của Việt Yên là phát triển du lịch cộng đồng gắn với di sản văn hóa. Quan họ là nền tảng thu hút khách du lịch, đó là một trong những mục tiêu chúng tôi phấn đấu thu hút du khách đến với địa phương”.
Gắn việc gìn giữ truyền thống với đời sống hiện đại, giữ lữa bằng tinh thần của người đi trước và niềm say mê háo hức của những người trẻ, những thế hệ quan họ nơi bờ bắc sông Cầu đang tiếp bước cha ông bảo tồn, phát huy di sản. Để rồi mỗi khi tới ngày hội, bà dạy cháu chít khăn mỏ quạ, con giúp cha mẹ mặc áo the, mớ ba mớ bảy, cùng các liền anh liền chị náo nức trảy hội chùa Bổ Đà, đưa những câu ca thấm đẫm hồn dân tộc đến với du khách thập phương: Tình quan họ, đến hẹn lại lên!./.