Hôm nay 31/12, TPHCM sẽ chính thức công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.

Theo đó, từ ngày 1/3/2021, thành phố Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Địa bàn của TP Thủ Đức sẽ trên cơ sở sáp nhập 3 quận là: Quận 9, Quận 2 và quận Thủ Đức. Hầu hết người dân ở các quận này đều vui mừng, phấn khởi song cũng không phải không có những băn khoăn, lo lắng.

Ông Ngô Lê Sơn, chủ quán bán đồ ăn sáng tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức phấn khởi cho biết: “Tôi là người dân sống ở quận Thủ Đức lâu năm, hôm nay, nghe được tin quận Thủ Đức sẽ được nâng cấp lên thành phố Thủ Đức, tôi rất phấn khởi, vui mừng. Hy vọng thành phố Thủ Đức ngày càng phát triển tất cả mọi mặt về kinh tế, nét đẹp bộ mặt mỹ quan đô thị để xứng tầm với TPHCM”.

Còn anh Phan Tuấn Thành, một nhân viên văn phòng đang cư ngụ tại phường Cát Lái, Quận 2 thì nhiều ngày nay dành khá nhiều thời gian để theo dõi tin tức, tìm hiểu thông tin về việc thành lập TP Thủ Đức. Anh tin tưởng rằng bản thân mình cũng như các cư dân của TP Thủ Đức sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển về kinh tế và cơ sở hạ tầng trong tương lai.

“Khi nghe thông tin sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thành TP Thủ Đức, bản thân tôi rất vui mừng bởi vì qua tìm hiểu tôi được biết, TP Thủ Đức hình thành sẽ đóng góp khoảng 1/3 kinh tế cho TPHCM, tức là khoảng 7% GDP của cả nước. Việc phát triển kinh tế như vậy sẽ kéo theo nhiều sự phát triển đồng bộ khác về cơ sở hạ tầng, giao thông... và người dân chúng tôi cũng sẽ được hưởng lây từ những sự phát triển đó”, anh Thành nói.

Cùng với niềm vui, háo hức chờ đợi thì người dân tương lai của TP Thủ Đức cũng không khỏi băn khoăn rằng liệu việc sáp nhập, chuyển đổi này có gây phiền hà về các thủ tục hành chính hay không. Chị Thanh An, một cư dân ở Quận 9 bày tỏ: “Đổi như vậy thì hồ sơ về hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, các chứng từ liên quan thì có phải thay đổi qua tên mới hay không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? Các chi phí phát sinh thì ai sẽ chịu?”.

Cũng băn khoăn nhưng ông Cao Văn Hồng, ngụ ở phường Linh Trung, Quận Thủ Đức thì lại tin tưởng rằng, nhất định TPHCM sẽ tính toán để đưa ra các phương án phù hợp cho người dân, vì thế ông hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào quyết định thành lập TP Thủ Đức.

“Do yêu cầu phát triển nên cần gom lại để tạo động lực mạnh hơn, điều đó tốt thôi. Nhà nước cũng mới ra thông báo là toàn bộ việc chuyển đổi đều miễn phí, Giám đốc Sở nội vụ đã nói rồi. Đó là chuyện Nhà nước sẽ lo cho dân chứ đâu phải trách nhiệm của mình đâu mà mình phải băn khoăn”- ông Hồng bày tỏ.

Ủng hộ, vui mừng trước Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức, người dân mong muốn TP sớm giải quyết những bất cập còn tồn đọng ở các quận hiện nay, đặc biệt là sự nâng cấp về cơ sở hạ tầng, giao thông, chống ngập úng.

Ông Đặng Hoàng Hà, ngụ tại phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức cho biết: “Hiện nay, ở quận Thủ Đức hoặc quận 2 thường có tình trạng ngập sau mưa hoặc do triều cường, do vậy chúng tôi hy vọng những lãnh đạo tiếp quản thành phố Thủ Đức sẽ quan tâm hơn để có thể khắc phục được tình trạng này, giúp cho đời sống và điều kiện đi lại của người dân thuận tiện hơn”.

Hồi đầu tháng 10/2020, khi TPHCM tổ chức lấy ý kiến cử tri quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức về việc sáp nhập 3 quận, lấy tên mới là TP Thủ Đức, đã có 82% cử tri Quận 2, 97% cử tri Quận 9 và hơn 98% cử tri quận Thủ Đức đồng ý. Như vậy, có thể thấy hiện nay đại bộ phận người dân của 3 quận này đều tán thành, ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, TPHCM cũng cần thông tin thêm về các chính sách, ban hành thêm các văn bản hướng dẫn để người dân hiểu hơn và đồng hành trong việc chuyển đổi này, góp phần để TP Thủ Đức thực sự trở thành đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và cả nước./.