Sáng nay (9/3), tại TPHCM, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Đại Học Quốc gia TPHCM tổ chức buổi Tọa đàm khoa học: “Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Tham dự có các đại biểu Quốc hội đơn vị TP HCM, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhiều cán bộ giảng dạy các trường đại học trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.
Tại buổi tọa đàm đã có hơn 50 bài tham luận và nhiều ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Các ý kiến xoay quanh nội dung về thể chế nhà nước, vai trò chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam, công an nhân dân Việt Nam, về các thành phần kinh tế , vai trò của các thành phần kinh tế, chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương…Trong đó, điều 4 của dự thảo về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội đã được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Trong dự thảo Hiến pháp tiếp tục xác nhận Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ diễn giải cần được bổ sung hoặc cắt bớt để hoàn thiện, nâng cao chất lượng của dự thảo. Cụ thể là điều 4 ghi rõ: Đảng “… chịu sự giám sát của nhân dân”, nhưng cơ chế nào để nhân dân giám sát thì chưa được đề cập. Vì vậy, để nhân dân có thể giám sát thực sự thì cần có quy định cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng và nên thay cụm từ: “Các tổ chức của Đảng và Đảng viên” tại điểm 3 điều 4 bằng cụm từ: “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đồng thời, không cần viết: “trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” mà chỉ cần viết: “theo pháp luật”, hoặc: “ đảm bảo bằng pháp luật” là đủ, vì Hiến pháp chính là luật gốc.
Ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nói: “Trong dự thảo hiện nay thừa nhận Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng đảng lãnh đạo chứ lực lượng sao lãnh đạo; đối tượng lãnh đạo nhà nước là rõ rồi nhưng xã hội thì mênh mông quá”./.