Sáng 27/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương dự Lễ kỷ niệm 75 Ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo các bộ, ngành, cán bộ ngành Ngoại giao các thế hệ.
Nhiều thành tựu đáng tự hào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nền ngoại giao của nước ta đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, trực tiếp xây dựng chỉ đạo và rèn luyện.
75 năm qua, ngành Ngoại giao đã đạt được thành tựu quan trọng đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Từ một nước bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại rộng, mở với 189 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 nước G20, toàn bộ các nước ASEAN.
Từ nền kinh tế khép kín và bao cấp, ngành ngoại giao đã góp phần quan trọng trong đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, rất quan trọng cho phát triển, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.
Ngành ngoại giao cũng góp phần giúp nước ta đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng liên nghị Viện các nước ASEAN…
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Thủ tướng đánh giá, ngành ngoại giao đã triển khai tốt ngoại giao trực tuyến. Từ tháng 2/2020 đến nay đã có trên 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nước ta với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn của ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hợp Quốc, G20, Phong trào không liên kết.
Bộ Ngoại giao trong công tác lãnh sự đã phối hợp tổ chức tốt nhiều chuyến bay, kể cả bay vào những vùng dịch nguy hiểm, đón gần 30.000 công dân về nước; hỗ trợ trang thiết bị y tế cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho nhiều đối tác nước ngoài, nhất là địa bàn bị dịch nặng nề; đón hàng nghìn chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Công tác đối ngoại phát huy tinh thần quốc tế trong phòng chống dịch trên cơ sở yêu cầu của các nước và phù hợp với khả năng, chúng ta đã hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho 49 nước và hai tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống. Những nghĩa cử cao đẹp đó thể hiện truyền thống nhân văn của người Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Ngoại giao thời gian qua đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sinh động, góp phần quan trọng để đạt được thành tích đáng tự hào trên chặng đường 75 năm qua của ngành Ngoại giao.
Trong đó, Thủ tướng biểu dương nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu trong công tác nghiên cứu, tham mưu phân giới cắm mốc biên giới, hội nhập quốc tế, thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, ngoại vụ địa phương, thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương, lễ tân, hậu cần, đào tạo cán bộ, công tác cán bộ nữ. Những thành tích của ngành là những bông hoa tươi sắc, góp phần làm rạng rỡ thêm vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước ta.
5 nhiệm vụ trọng tâm với ngành ngoại giao
Nêu tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, thiên tai, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh vẫn tiếp diễn, Thủ tướng cho rằng, thách thức đối với đất nước cũng như ngành ngoại giao là rất lớn:
"Chắc chắn sẽ có nhiều việc rất khó, rất phức tạp, đòi hỏi các đồng chí phải luôn nắm vững và tuyệt đối trung thành với lập trường, nguyên tắc đối thoại của Đảng, Nhà nước về giữ vững độc lập, tự chủ. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Thực hiện tốt đoàn kết nội bộ, đồng lòng, nỗ lực, khôn khéo, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng giữ chế độ, bảo vệ đường lối của Đảng và Nhà nước ta" - Thủ tướng cho biết.
Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn thực hiện nhiệm vụ cao cả đó, ngành Ngoại giao phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu đạt được, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành.
Công tác đối ngoại phải tiếp tục phát huy vai trò tiền phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút tối đa nguồn lực bên ngoài để gắn kết hài hòa với phát huy nội lực, để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Để làm tốt trọng trách được giao thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ của ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Luôn giữ vững nguyên tắc đường lối đối ngoại của Đảng, đồng thời linh hoạt, khéo léo, tăng cường đan xen lợi ích, gia tăng điểm đồng, cân bằng quan hệ, nhất là với các nước lớn và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Cùng với đó là tăng cường ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Khi kỳ vọng của bạn bè quốc tế vào Việt Nam ngày càng lớn, cần làm tốt hơn nữa, linh hoạt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng sự tin tưởng của bạn bè quốc tế và bảo vệ được lợi ích, an ninh, phát triển của Việt Nam.
Góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc, giữ vững nguyên tắc vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết kiên trì làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu dự báo không để bị động bất ngờ. Tăng cường trao đổi để bạn bè quốc tế hiểu rõ ủng hộ sự chính nghĩa và quan điểm nhất quán của ta, nhất là về biển Đông.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam bằng nhiều hoạt động đa dạng và phong phú.
Thủ tướng cũng hoan nghênh 3 thi đua mà ngành Ngoại giao đưa ra cho giai đoạn 2020-2025, trong đó có tăng cường nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước; Thi đua học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tăng cường thi đua yêu nước của ngành ngoại giao với các cơ quan, các bộ, các ngành, các địa phương khác trong cả nước, nhằm tạo nên nguồn lực tổng hợp phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.