Nội dung trên được thể hiện tại Khoản 2, Điều 4 dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi (BLTTDS) đang được trình Quốc hội cho ý kiến. Nhìn chung vẫn còn những quan điểm khác nhau.

Quy định này không có gì mâu thuẫn

Thảo luận tại tổ sáng 23/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tổng hợp của Chính phủ, Bộ Tư pháp cho thấy đa số ý kiến nhân dân góp ý đồng tình với quy định mới này. Lý lẽ được đưa ra là Tòa án theo Hiến pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

uong_chu_luu_hop_to_nlui.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thảo luận tại tổ sáng 23/5

Vấn đề đặt ra là quy định này có ảnh hưởng gì tới nguyên tắc độc lập và tuân theo pháp luật của tòa án, thẩm phán hay không? Không có luật làm sao tòa án xét xử? Theo ông Uông Chu Lưu, trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định nguyên tắc yêu cầu khi xét xử phải tuân theo tinh thần Hiến pháp, căn cứ vào nguyên tắc cơ bản của 2 Bộ luật trên, căn cứ vào lẽ phải, đạo lý phong tục tập quán tốt đẹp, lẽ công bằng.. để ra phán quyết.

“Người thẩm phán, HĐXX vận dụng vào những điều đó để xem xét, phán quyết. Nếu cứ để dân tự quyết với nhau, trong trường hợp không tự định đoạt, thỏa thuận được sẽ nảy sinh hậu quả. Việc trao quyền này là hợp lý, không có gì mâu thuẫn với việc “tuân theo pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Kim Khoa- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm trên và đánh giá đây là quy định tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu Nhà nước phải phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền của người dân.

“Không phải do không có điều luật quy định mà chúng ta lại từ chối giải quyết các vụ việc của người dân. Nếu thế sẽ dẫn đến các cơ quan của tòa án có thể lợi dụng vào đó để từ chối. Dân không thể hiểu hết luật pháp, chỉ khi có việc thì họ đến kêu ở tòa án. Quy định như dự thảo buộc cơ quan Nhà nước phải có tinh thần phục vụ nhân dân”, ông Khoa nói

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh, quy định như thế nào để thực hiện được lại là vấn đề cần bàn. Ví dụ công nhận áp dụng án lệ thì theo án lệ hay áp dụng tập quán, nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết vấn đề dân sự… thì phải quy định chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi.

Luật không có mà cứ xử là không phù hợp

Nêu quan điểm không đồng tình, Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình cho rằng quy định trên chưa phù hợp với hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền, tức Nhà nước và công dân phải tuân thủ theo pháp luật, xử lý vụ việc đúng sai vẫn phải căn cứ vào pháp luật.

“Giờ một vụ việc phát sinh nhưng điều luật chưa có quy định mà tòa xử theo cách áp dụng tương tự, theo nguyên tắc công bằng hay theo án lệ thì nó vẫn không hợp lý”, ông Phương nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình 

Theo đại biểu, nếu quy định như dự thảo sẽ dễ tùy tiện hoặc cách hiểu khác nhau, cách vận dụng khác nhau dẫn đến cách xét xử khác nhau. Từ đó nảy sinh chuyện người được thì phấn khởi, người thua thì không chịu rồi khiếu kiện, khiếu nại, xử đi xử lại nhiều lần, gây tốn kém.

“Trong cuộc sống bao giờ cũng phát sinh nhiều vấn đề. Có những điều đã có luật quy định, nhưng nếu chưa có thì phải bổ sung, sửa luật. Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm sửa luật, mỗi năm họp 2 lần thì những gì chưa phù hợp, cuộc sống đặt ra mà mình chưa có thì phải bổ sung, sửa đổi. Không thể để luật chưa quy định mà đem ra xét xử thì không phù hợp, hệ lụy lớn hơn là không có luật cũng xử được”, đại biểu Bùi Văn Phương nói./.