Không tán thành đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ (lao động công ích hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng).
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 nên việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo Luật.
Về đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý, bổ sung công nhân viên quốc phòng, công dân đang phục vụ trong công an nhân dân, đang làm công tác cơ yếu.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng cần có chính sách hấp dẫn thanh niên thực hiện NVQS |
Liên quan đối tượng được gọi nhập ngũ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn: Nói NVQS là vinh quang, nhưng đối tượng nhập ngũ chủ yếu vẫn là con em nông dân, đồng bào dân tộc. Tại sao vẫn còn nhiều con em nhà giàu, con em cán bộ không "nhận"? Ngoài ra, 10 người thì chỉ gọi nhập ngũ vài người, những người còn lại không làm gì hết là chưa công bằng. Do đó phải có nghĩa vụ gì đó đóng góp, như thế mới vinh quang!
Đại biểu cũng nêu thực trạng: “Vào công an thì làm đơn, xét duyệt tranh nhau, còn đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bắt buộc”, và cho rằng hiện chưa có có chính sách thực sự thu hút những người không có cơ hội tham gia nghĩa vụ vinh quang này. Theo đó, chính sách với quân nhân phải hấp dẫn thanh niên như người có bằng đại học khi thực hiện xong nghĩa vụ được tuyển thẳng vào ngành nào đó.
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) cũng cho rằng ở đâu vẫn còn nhiều dư luận về vấn đề tiêu cực để tránh không thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự. Do đó, Điều 42 dự thảo luật cần bổ sung theo hướng: Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được công khai tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác.
Trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhận xét, quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) dẫn thực tế nhiều ở vùng nông thôn hiện nay thanh niên ăn Tết xong là đi làm ăn xa, nếu quy định như dự thảo thì tháng 4 họ lại phải về quê đăng ký NVQS.
“Như thế chỉ thuận cho cơ quan tuyển quân mà chưa thuận cho công dân. Nên quy định thời hạn đăng ký NVQS sớm hơn, ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Hoặc khi công dân đến đăng ký tạm vắng ở địa phương với cơ quan công an thì cơ quan công an cần chuyển luôn thông tin đó cho cơ quan quân sự mà không đòi hỏi công dân đến đăng ký với cơ quan quân sự nữa”, đại biểu đề nghị.
Thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ là vấn đề còn có rất nhiều loại ý kiến khác nhau. UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật Chính phủ trình quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.
ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đồng tình với quan điểm trên và cho rằng nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật NVQS hiện hành thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Nếu quy định khác nhau giữa các đối tượng sẽ không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Về ý kiến đề nghị quy định NVQS phổ thông, theo đó mọi công dân phải thực hiện NVQS thời hạn từ 6 đến 12 tháng; đồng thời xây dựng đội ngũ quân thường trực tinh nhuệ với thời hạn từ 3 - 5 năm, UBTVQH thấy rằng, việc quy định tất cả công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ phải thực hiện NVQS tại ngũ với thời hạn từ 6 đến 12 tháng là không phù hợp với khả năng bảo đảm của nhà nước.
Thực tế số người gọi nhập ngũ hàng năm hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (khoảng 6%). Bên cạnh đó, việc phân biệt hai đối tượng thực hiện NVQS tại ngũ với hai thời hạn khác nhau là không bảo đảm công bằng xã hội. Mặt khác, nếu quy định có một loại đối tượng phục vụ từ 3 - 5 năm thì chưa xác định được chế độ phục vụ của họ là nghĩa vụ hay hợp đồng. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này trong Luật.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phát biểu cũng cơ bản đồng tình với quy định độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình là từ 18 đến 27 tuổi./.