Anh em kiện nhau gay gắt cũng vì lòng tham

Cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng án dân sự hiện nay rất phức tạp, bình quân mỗi năm có trên 100.000 vụ tranh chấp và xu hướng ngày càng gia tăng.

“Trước đây tranh chấp chủ yếu là động sản, tiền bạc, vay nợ, bây giờ chủ yếu là tranh chấp về bất động sản, nhà cửa, đất đai. 90% khiếu kiện này xảy ra phải giải quyết bằng con đường tòa án. Đặc biệt là xảy ra giữa anh em họ hàng, bố mẹ… Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết chỉ có gần 3%, nhiều vụ lòng vòng xử đi xử lại 10 đến 20 năm mà vẫn không tìm được công lý”, đại biểu cho biết.

do_van_duong_cfkn.jpg
Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) 

Lý giải nguyên nhân, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, do pháp luật còn chung chung, không được hoàn thiện. Các quan hệ pháp luật về điều chỉnh tài sản không cụ thể nên thẩm phán nhiều khi dựa vào nghị quyết, vào lương tâm, đạo đức và các mối quan hệ để xử.

Một nguyên nhân khác, theo đại biểu là do trước đây đất đai không có giá, giờ có giá thì lòng tham của con người trỗi dậy.

“Anh em họ hàng lúc cho nhau thì không tiếc, nhưng khi nổi lòng tham thì lại kiện tụng rất gay gắt. Giao dịch chủ yếu bằng miệng, giấy tờ viết tay chứ không bằng hợp đồng công chứng, chứng thực nên ra tòa không có căn cứ pháp lý”, đại biểu nói.

“Không phải tranh chấp cứ ra tòa là hay”

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Luật này cần nhấn mạnh hơn việc đương sự tự thu thập chứng cứ và chứng minh để có thể thống nhất, hòa giải mà không phải ra tòa.

“Không phải mọi tranh chấp cứ ra tòa án là hay. Vạn bất đắc dĩ mới đem ra cơ quan công quyền, nhất là các doanh nghiệp vì người ta sợ mất uy tín”, đại biểu bày tỏ.

Do đó, tinh thần là giảm dần vai trò của tòa án trong thu thập chứng cứ và chỉ hỗ trợ người dân trong việc thu thập chứng cứ khi họ không làm được. Tòa án có thể yêu cầu cơ quan công quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho dân hơn là tự mình đi thu thập.

Theo đại biểu, trong luật TTDS hiện hành, tòa án còn làm thay đương sự nhiều quá. Tòa án vừa là người xác minh thu thập chứng cứ, lập hồ sơ, lại vừa là người xét xử nên khó khách quan.

“Nhiều khi có một số thẩm phán còn cố tình để người ta không hòa giải được, kể cả phía luật sư cũng vậy. Hiện nay tỉ lệ hòa giải là 51% nên làm sao nâng cao tỷ lệ hòa giải càng cao càng tốt”, đại biểu nêu ý kiến và đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn việc tranh tụng giữa các bên và nên tranh tụng từ tất cả các giai đoạn, chứ không chỉ tranh tụng tại phiên tòa. Vì tranh tụng thực chất là đối đáp, tôn trọng nhau, thuyết phục được nhau.

Công lý chậm trễ thì bất công kéo dài

Nêu thực trạng bên nguyên, bên bị có thể không xuất trình đủ chứng cứ ở giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm mà “chờ” đến giám đốc thẩm, đại biểu cho biết có ý kiến cho rằng đương sự không tin vào tòa án và cứ chờ giám đốc thẩm mới đưa ra.

Từ đó dẫn đến tình trạng án sơ thẩm xử xong, phúc thẩm đưa chứng cứ mới để có thể hoãn xử và xử khác đi, khi chuyển lên giám đốc thẩm thì không còn được tranh tụng như cấp dưới nữa và nhiều vụ yêu cầu xử lại.

Theo đại biểu, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, người ta phải cam kết tất cả những chứng cứ liên quan đến quyền lợi của mình thì nộp đầy đủ. Luật pháp phải có giới hạn, không thể chiều chuộng, mơn man, nhu mì, trừ trường hợp khách quan mà anh không thể biết hết được chứng cứ đó, về nguyên tắc phải ấn định đến thời hạn phải giao nộp đủ.

“Cứ giữ đến phúc thẩm mới đưa ra mà không đưa ra ở sơ thẩm thì chứng cứ ấy lại làm đảo lộn việc xét xử, kéo dài việc xử án. Công lý chậm trễ thì bất công càng kéo dài, gây tốn kém cho nhà nước”, đại biểu nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu này, thủ tục hành chính của chúng ta đã rườm rà, nhưng thủ tục tố tụng còn rườm rà hơn, mỗi thủ tục lại “đốt” tiền nhà nước. Do đó đã đến lúc đổi mới, phải có cải cách trong thủ tục tố tụng dân sự./.