Phát biểu tại tổ sáng 22/5 về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng hoạt động giám sát, hậu giám sát của Quốc hội, HĐND còn những hạn chế. Do đó, việc hợp nhất để ban hành luật giám sát của cả QH và HĐN là rất cần thiết nhưng nội hàm phải bao quát, đặc biệt là xử lý hậu giám sát.

Thiếu chế tài thì giám sát cũng chỉ là để giám sát

Đại biểu Nguyễn Văn Danh nêu quan điểm: “Nhiều kiến nghị qua giám sát rất đúng nhưng chậm khắc phục và không khắc phục song chưa có giải pháp gì để xử lý mạnh. Các cơ quan của QH, HĐND sau khi giám sát ra kết luận, Nghị quyết thì cơ quan công quyền phải làm rất nghiêm túc”.

nguyen_van_danh_quang_tri_jkch.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Danh

Đại biểu cũng đánh giá cao việc bổ sung quy định trường hợp có hành vi cản trở thì các chủ thể giám sát có quyền yêu cầu cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.    

Tuy nhiên, HĐND cấp huyện, xã không dễ thực hiện điều này vì thực quyền ít được phát huy. Do đó, đại biểu kiến nghị “cần có chế tài nếu không giám sát cũng chỉ là giám sát mà thôi. Người dân bức xúc vì kiến nghị rất rõ nhưng kéo dài không xử lý”.

Đại biểu Phương Hữu Việt đặt câu hỏi: Những chủ đề QH giám sát vừa rồi rất hay, kiến nghị giải pháp tốt nhưng cần xem lại giám sát đó bây giờ thế nào rồi, có thực hiện không? Đồng thời nhấn mạnh, QH ra kết luận thì phải thực thi, người dân mới tin.

Về quy định chất vấn và trả lời chất vấn, có ý kiến đại biểu đề nghị phải trả lời trực tiếp. Đồng thời đề nghị chất vấn và trả lời theo lĩnh vực chứ không lựa chọn nhóm vấn đề vì sẽ giới hạn nội dung chất vấn và người trả lời lấy lý do để từ chối, trong khi nhiều việc đang rất bức xúc người dân cần biết giải pháp xử lý ngay.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng bày tỏ, việc lựa chọn người trả lời chất vấn và vấn đề chất vấn vẫn cho thấy còn bị động. Do đó, thay vì xin ý kiến đại biểu bằng gửi phiếu yêu cầu, việc lựa chọn người trả lời phải theo quy trình thủ tục giám sát tối cao, tức qua biểu quyết và quyết luôn ai trả lời ngay khi thông qua chương trình kỳ họp.

Băn khoăn quy định từ chối trả lời vì “bí mật Nhà nước”

Đại biểu Nguyễn Văn Danh băn khoăn về khoản 3 Điều 9 quy định đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; đề nghị quy định cụ thể để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin với lý do thông tin đó thuộc bí mật nhà nước, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của các chủ thể giám sát. Vì trong thực trong thực tế không phải không có việc này.

Nêu quan điểm luật cần có quy định vấn đề và lĩnh vực liên quan bí mật Nhà nước cũng như có quy trình thủ tục riêng chứ không thể từ chối tất cả, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh nhiều lĩnh vực thuộc bí mật nhưng không thể không giám sát.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cũng chia sẻ: “Thực tế giám sát có nhiều nội dung thuộc bí mật Nhà nước nhưng cứ nói thế này thì Ủy ban QP-AN khó mà giám sát. Vừa rồi chúng tôi khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về sỹ quan, quân nhân quốc phòng thì phải hỏi số liệu cụ thể mới hoàn thành chính sách được. Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm, không phải “từ chối” mà là có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của luật bảo mật”.

Đại biểu Trần Quốc Vượng

Liên quan phân biệt giữa giám sát tối cao và giám sát nói chung của Quốc hội, ĐB Trần Quốc Vượng tỏ ra băn khoăn và cho rằng giám sát tối cao là QH thì các cơ quan của QH được ủy quyền thực hiện vẫn là giám sát tối cao.

Đại biểu cũng đề nghị QH phải tập trung tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giám sát chi tiêu ngân sách Nhà nước, bớt đi những việc quá cụ thể.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Tiên cho rằng: “Giám sát tối cao là của QH, còn tại kỳ họp hay QH cử các đoàn đến giám sát tối cao ở địa phương cũng được chứ sao? Giám sát của các Ủy ban mới là xương sống nhưng luật đề cập còn ít”.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội phải giám sát văn bản. Theo đó, cần quy định mỗi năm các cơ quan này phải có báo cáo chuyên đề về giám sát việc này trong phạm vi của mình. Thực tế lâu nay chủ yếu báo chí phát hiện ra./.