Liệu có bao che, bỏ lọt tội tham nhũng?

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần có đánh giá toàn diện hơn vì báo ra Quốc hội là báo cáo với toàn dân.

“Thế giới, mặt trận, điều tra dư luận, báo chí truyền thông đã đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng như thế nào? Trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực, bỏ sót, bao che, thậm chí tham nhũng hay không? Những cơ quan chủ lực như thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát làm hết trách nhiệm chưa? Báo cáo cần có đánh giá cụ thể», Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh báo cáo cần đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và hiệu quả từ công tác này.

ong-ksor-phuoc1.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cho biết số thông tin liên quan đến tham nhũng mà các cơ quan có thẩm quyền nhận được trong năm và cách xử lý thông tin đó. Điều này thể hiện ý chí quyết tâm có làm đến nơi đến chốn hay không.

‘‘Nhiều vụ việc qua điều tra thì ‘‘xẹp’’ xuống khiến người dân mất lòng tin. Dân đi tù chỉ vì vài triệu nhưng cán bộ vi phạm mấy tỷ lại hưởng án treo. Xử lý không nghiêm là dấu hiệu nghi vấn cao về động cơ tham nhũng’’, ông Ksor Phước nêu ý kiến.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng báo cáo cần nêu rõ vụ việc nào diễn ra trong thời gian dài mới được phát hiện, vụ nào được phát hiện được ngay, tỉnh nào kém nhất, bộ nào có vấn đề và điển hình là cái gì. Quốc hội cần địa chỉ. Báo cáo có chiều sâu thì mới thể hiện được hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng đến đâu.

Ông Ksor Phước nêu ý kiến cho rằng việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện tham nhũng nên theo trọng điểm, ví dụ năm 2014 tập trung vào lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Ngoài ra, nên công bố tiến độ xử lý những vụ lớn từ 3 đến 4 tháng một lần.

« Diện rộng làm hết rồi nên cũng phải xác định trọng điểm. Nơi nào có nhiều tiền, nhiều quyền thì dễ có nguy cơ cao về tham nhũng», ông Ksor Phước nói.

Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, vì làbáo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 nên cần bổ sung thông tin cho toàn diện, tổng quát.

Chính phủ có thể yêu cầu các cơ quan cung cấp thêm thông tin trước khi báo cáo trước Quốc hội, trong đó cần thể hiện rõ hơn về tình hình, số liệu, tránh báo cáo chung chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý

“Về biện pháp cũng cần được gia công thêm. Tội phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm thì biện pháp cũng phải tinh thông, sâu sắc hơn. Cơ quan chuyên trách phải nâng cao trách nhiệm, xử lý hiệu quả hơn”- ông Phan Trung Lý .

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hải Phong cho rằng: “Có những địa phương có 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ đưa ra xử lý hành chính vài cuộc nhỏ lẻ. Chúng tôi khẳng định trong số đó có những cuộc có dấu hiệu hình sự, nhưng đã xử lý hành chính”. Cũng theo ông Phong, nếu làm tốt công tác thanh tra, điều tra thì sẽ hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, oan sai.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhiều vấn đề được Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra cũng đã được cơ quan thẩm tra nêu ra khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, như:Có tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng không? Ví dụ thanh tra, kiểm toán phát hiện bao hàng trăm hécta đất, hàng trăm tỷ đồng nhưng thu hồi không là bao thì vấn đề gì không? Thanh tra có nơi thanh tra gần nghìn cuộc nhưng phát được vài vụ nhỏ lẻ nói lên điều gì? Những vụ án không đáng đình chỉ vẫn đình chỉ, xử án treo nhiều thì có vấn đề tiêu cực không?...

Ông Nguyễn Văn Hiện cũng đồng tình với ý kiến cho rằng báo cáo cần có đánh giá về mặt điều tra xã hội học, để thấy được sự mức độ hài lòng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến; đồng thời cho biết báo cáo sẽ được bổ sung đầy đủ thông tin hơn, có sự phân tích rõ hơn về về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 trước khi trình Quốc hội vào tháng 10 tới./.