Tiếp tục phiên họp thứ 21, hôm nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013; Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Theo báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, tội phạm an ninh quốc gia. Để phòng chống tội phạm hiệu quả, theoChủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cần phân tích diễn biến tình hình tội phạm với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, cần có Nghị quyết riêng về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm. “Về phòng chống, giảm vi phạm pháp luật, tội phạm, Quốc hội cần có nghị quyết riêng về nội dung này. Bởi hệ quả của những vi phạm này mới dẫn tới các vụ việc của Tòa án, Viện kiểm sát. Tất cả những vụ việc xảy ra phải có biện pháp không để phát sinh, bằng các hoạt động của cả hệ thống chính trị, và trang bị cho lực lượng làm nhiệm vụ…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Các đại biểu cũng chỉ rõ một trong những nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng là do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Vẫn còn tình trạng điều tra, truy tố oan sai, đặc biệt là tình trạng bỏ lọt tội phạm, bao che, bảo kê. Các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra các vụ việc, đặc biệt là người đứng đầu ở cơ sở, địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng tội phạm. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật. Theo Phó Chủ tịch nước, việc đấu tranh phòng chống tội phạm là của các cấp, ngành và toàn xã hội nên không thể đổ hết cho ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, đồng thời các ban, ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh hơn nữa.Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong công tác điều tra, xét xử, tranh tụng và tố tụng phải thực thi đúng pháp luật, đồng thời các Ủy ban của Quốc hội phải thực hiện tốt công tác giám sát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu trong báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát, Tòa án phải đánh giá rõ và nhận định về tình hình tội phạm để từ đó có giải pháp kịp thời và hiệu quả. Hoạt động giám sát, đánh giá tình hình phải được thực hiện rõ ràng./.