Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 9 năm thực hiện Luật phá sản, đến nay nhiều quy định của Luật  khó thực hiện nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý chưa nhiều. Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng không tiến hành phá sản được. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá năng lực thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự lành mạnh của nền kinh tế.

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nhất là quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Điều 3 của dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng: Hiện nay, ở nước ta có nhiều loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã với quy mô lớn, nhỏ khác nhau nên không thể quy định khoản nợ quá hạn chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thời hạn 3 tháng là ngắn quá.

Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách- Tàn chính, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, đã hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường thì phải gắn với việc làm ăn hiệu quả, không hiệu quả và cả phá sản.

Về tiêu chí xác định phá sản, theo ông Hiển, phá sản là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chứ ko thể chỉ vì món nợ 200 triệu đồng trong 3 tháng đã bắt doanh nghiệp phá sản.

“Thực tế vốn đăng ký của doanh nghiệp chỉ chiếm 15% vốn hoạt động, còn lại là vay, luân chuyển. Có doanh nghiệp số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn cónguồn để duy trì thì không thể nói người ta phá sản. Do đó, cần phải tính trên một tỷ lệ vốn nhất định chứ không thể là số tuyệt đối”, ông Hiển nêu ý kiến. Thời gian cũng cần được nâng lên 6 tháng thay vì 3 tháng.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho rằng việc xác định vốn của doanh nghiệp rất khó nên đặt vấn đề là khoản nợ từ từ 200 triệu đồng trở lên thì chủ nợ có quyền yêu cầu giải quyết phá sản với doanh nghiệp nợ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, quyền được tuyên bố phá sản là cơ hội để doanh nghiệp bắt đầu lại công việc của mình và sòngphẳng chuyện nợ nần. Về phía chủ nợ, họ có cơ hội lấy lại được phần nào tài sảnđã đặt vào doanh nghiệp. Vai trò của tòa án chỉ là đứng ra đảm bảo công bằng của cả chủ nợ và con nợ.

Về ý kiến nợ 200 triệu đồng trong 3 tháng là khoản tiền không lớn, thời gian ngắn, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đặt đặt vấn đề một doanh nghiệp lớn sao số nợ nhỏ như thế lại không thanh toán được. Nếu một doanh nghiệp hoạt động bình thường thì không bao giờ muốn có chuyện bị đệ đơn yêu cầu phá sản, bởi doanh nghiệp phải giữ thương hiệu, uy tín.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, phásản trong kinh tế thị trường là việc hết sức bình thường, do đó rất cần sự điều chỉnh của luật. Việc tuyên bố giải thể, dừng hoạt động thì cơ chế giải quyết nợ không minh bạch, rõ ràng như quy chế phá sản.

Chiều nay (13/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.