Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự án luật này được xem xét, thảo luận qua 3 kỳ Quốc hội và sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 trong tháng 10 tới.
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm có 14 chương với 213 điều (tăng 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Trong đó có 56 điều giao Chính phủ hướng dẫn. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết sẽ có 4 Nghị định hướng dẫn những điều này và 3 Nghị định cơ bản đã hoàn thành.
Nhiều ý kiến về quy định thu hồi đất
Thảo luận sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề cập vấn đề thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội. Đây là vấn đề đang tồn tại nhiều bất cập và gây nên nhiều phức tạp trong thực tế hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách- Tài chính của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội nên quy định hạn mức đất được phép thu hồi theo từng cấp (Quốc hội, Chính phủ, HĐND) để hạn chế thu hồi tràn lan, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng nội dung được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội và người dân là thu hồi đất. Điều này cũng được thảo luận khi sửa đổi Hiến pháp, nhưng Luật Đất đai có ý nghĩa giải quyết cụ thể nên các quy định cần rõ ràng.
Theo ông Phan Trung Lý, Điều 62 và Điều 63 quy định về thu hồi đất cho mục đích lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội có nhiều điểm giống nhau. Do đó, cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng hai điều 62 và 63 có nhiều nội dung trùng lắp, do đó việc lồng ghép 2 điều này cần được xem xét.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị nên gộp 2 điều trên và lấy tên khác như: Thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ thẩm quyền, theo hướng thu hẹp việc giao cho HĐND.
“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường bày tỏ, người dân bức xúc và có nhiều ý kiến liên quan đến đất đai có lẽ vì “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Do đó, Luật cần quy định rõ trên loại đất cụ thể nào đó, người dân có quyền gì và khi thu hồi họ được hưởng gì để tạo sự đồng thuận.
Về khía cạnh này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Việc đền bù trên một loại đất, trong một quy hoạch thì phải một giá, còn mục đích làm gì thì tính sau. Không thể hai mảnh đất gần nhau mà thu làm dự án thương mại thì đền bù mức này, làm nhà trẻ thì đền bù thế kia. Dân chắc chắn không đồng tình”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc đền bù cũng cần tính đến diện tích đất ngoài định mức, như diện tích người dân quai đê lấn biển, khai hoang trong thời gian dài, bỏ nhiều công sức. Ngoài ra, về giá cần làm rõ khái niệm “biến động lớn”, nếu không cứ mù mờ sẽ rất khó, cần định lượng để có điều chỉnh.
Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, so với các luật khác, dự án Luật Đất đai sửa đổi thông qua tại 3 kỳ họp. Điều đó chứng tỏ Đảng, Chính phủ, Quốc hội nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Luật này. Luật liên quan thiết thực đến đời sống của người dân, ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cùng với ủy ban thẩm tra tiếp tục tiếp thu, rà lại đầy đủ, đảm bảo tính khả thi của luật, để khi vào đời sống, Luật khắc phục tối đa những tồn tại, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo, tiêu cực, lãng phí thất thoát./.