Chất lượng các quyết sách của Quốc hội, chất lượng giám sát phụ thuộc chính vào năng lực, bản lĩnh của từng đại biểu Quốc hội. Với khối lượng công việc ngày càng lớn trong mỗi kỳ họp gần đây đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của mình. 

quoc_hoi_ellt_ujlp_tpeu.jpg

Nghe nội dung bài viết dưới đây:

Trong những kỳ họp gần đây, với yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 vào trong các đạo luật, công việc lập pháp ngày càng nhiều. Không ít trong số đó là các dự thảo luật phức tạp, đồ sộ hoặc có tính chuyên ngành. Bên cạnh đó, mỗi kỳ họp, Quốc hội còn xem xét nhiều vấn đề trọng đại và tiến hành giám sát.

Vì thế, nếu vẫn tồn tại tình trạng có đến 25% đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các phiên họp hoặc đại biểu ít tham gia phát biểu, thể hiện chính kiến thì đó là điều rất đáng băn khoăn.

Trong khi gần đến kỳ họp, ngoài việc phải đi tiếp xúc cử tri, một khối lượng lớn tài liệu gửi đến đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu trước. Với những đại biểu chuyên trách, giải quyết khối lượng công việc này đã là khó khăn. Với đại biểu kiêm nhiệm, khó khăn lớn hơn nhiều khi quỹ thời gian để chuyên tâm trong vai trò đại diện dân cử hạn hẹp.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, bất cập này cần được quan tâm, nhất là khi dự thảo luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang được xây dựng.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, hiện nay tình trạng đại biểu theo cơ cấu nhiều, chỉ đảm bảo thích hợp nên phải tăng chuyên trách lên. Hoạt động Quốc hội càng có thâm niên càng tốt, vì vậy cố gắng đảm nhiệm hai khóa trở lên thì các đại biểu Quốc hội mới có các kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội và coi đây như một nghề thì mới nâng cao chất lượng. Sau đó là tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức sao cho tỷ lệ phù hợp.

Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách là câu chuyện sắp tới. Để chất lượng mỗi kỳ họp Quốc hội được nâng lên, không còn cách nào khác là mỗi đại biểu Quốc hội cần chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của mình. Họ thực sự phải là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình; phát huy được vai trò tích cực trong xây dựng pháp luật và giám sát.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc trao cho đại biểu Quốc hội quyền thì cũng phải tập trung bảo đảm các điều kiện để đại biểu hoạt động tốt hơn.

“Đại biểu phải tham gia quyết định tất cả các vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực của đất nước. Điều này rất khó nhưng để khắc phục cần phải tổ chức theo hướng có cơ quan giúp việc, mở rộng khả năng cho đại biểu Quốc hội thuê chuyên gia tham vấn, tư vấn. Chỉ trong chừng mực hiểu biết được vấn đề thì cái bấm nút của đại biểu Quốc hội mới chính xác, thực sự phản ánh quyền và lợi ích hợp pháp của đại bộ phận nhân dân”, ông Bùi Đức Thụ nêu ý kiến.

Rõ ràng, chuyên nghiệp không phải là cụm từ mới được đặt ra trong yêu cầu ngày càng mạnh mẽ để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Nhưng vẫn còn đó nhiều tồn tại nếu mỗi đại biểu Quốc hội không có sự đột phá trong tư duy, nhận thức và hành động để thay đổi thì nó mãi là rào cản.

Ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau suy nghĩ: “Muốn chuyên nghiệp được hay không phải dành toàn tâm toàn ý cho hoạt động của đại biểu Quốc hội. Nếu đại biểu bán chuyên trách phải có đảm bảo các yếu tố đủ chất lượng, đủ trình độ, năng lực, không nặng vấn đề cơ cấu thì sẽ góp phần tích cực. Tuy nhiên trong cơ cấu hiện nay thì không thể đặt yêu cầu đại biểu kiêm nhiệm là đại biểu chuyên nghiệp được. Nếu muốn chuyên nghiệp phải là chuyên trách”.

Bên cạnh việc cần hoàn thiện quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho đại biểu phát huy thực quyền của mình, để làm tròn vai đại biểu dân cử, không cách nào khác, mỗi đại biểu Quốc hội phải trau dồi nhiều hơn kỹ năng, tri thức của mình./.