Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã khép lại. Với nhiều đại biểu Quốc hội, kỳ họp khá thành công xét ở nhiều phương diện, chất lượng chất vấn, giám sát cũng như ý thức, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đã tăng lên những vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết cặn kẽ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): “Thấy rõ sự dân chủ trên nghị trường”
Ngoài một số nội dung, đặc biệt là Nghị quyết 35, khi biểu quyết chắc chắn ĐBQH còn phải suy nghĩ, còn lại nhìn chung đạt yêu cầu. Kỳ họp này đã dành nhiều thời gian để ĐBQH thảo luận, chất vấn, thể hiện rõ sự dân chủ trong nghị trường. Có thể nói, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội ở kỳ họp này cũng tốt và sâu hơn kỳ trước. Những vấn đề cử tri, người dân bức xúc như nợ công, nợ xấu đều đã được nêu rõ trên diễn đàn Quốc hội, không theo chiều hướng thảo luận một chiều. Theo tôi đây là một điểm mới ở kỳ họp này.
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy, các tư lệnh ngành cũng hiểu được trách nhiệm của mình với dân, với nước, bên cạnh vinh dự là trách nhiệm. Nếu các vị lãnh đạo ngành có tầm, có tâm thì sẽ rút kinh nghiệm, tích cực hơn trong công việc của mình để làm tốt hơn.
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An): “Thẳng thắn trong chất vấn và trả lời chất vấn”
Ngoài không khí trên nghị trường, không khí bên ngoài xã hội cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, lòng tin ở người dân đã được nâng lên, nhiều khúc mắc đối với doanh nghiệp đã được gợi mở, bắt đầu có những chuyển biến tích cực như đầu tư kinh doanh, liên kết mời đối tác vào khảo sát thị trường… Có thể nói, những dấu hiệu đó hứa hẹn cho thấy nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến tốt.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua các luật về quân đội nhân dân, công an nhân dân cũng góp phần làm tăng niềm tin của người dân với xã hội và trên mặt trận an ninh. Kỳ họp này đã thông qua được khá nhiều luật tạo nền tảng để luật vào cuộc sống. Tôi tin tưởng, tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới sẽ có những bước đi mạnh mẽ, chắc chắn. Nói thế bởi lâu nay có thể hình dung nền kinh tế của chúng ta được đặt trên một “nền đất yếu” nhưng qua quá trình tái cơ cấu đang bước đầu có kết quả khả quan, sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển ổn đinh, bền vững, góp phần tăng thu ngân sách ổn định.
Có một điểm đặc biệt, đó là kỳ họp này Quốc hội dành một buổi để chất vấn việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng. Phần lớn các vị Bộ trưởng đều đã thực hiện được lời hứa của mình, tuy còn những việc chưa làm được nhưng trên bình diện tổng thể không thể đổ lỗi hết cho các vị bộ trưởng.
Đại biểu Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh): “Chất lượng làm luật còn hạn chế”
Kỳ họp lần này có nhiều nội dung quan trọng và đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn có những điều đáng tiếc như nếu phiên chất vấn có thời gian dài để cho Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hơn.
Thứ hai, trong chương trình làm luật của kỳ này có rất nhiều luật, thông qua 18 luật và cho ý kiến 12 luật, nhưng trong đó có một số luật tuy kết quả biểu quyết thông qua đều quá bán, song tỷ lệ không cao. Ví dụ như Luật Dạy nghề được thông qua với 55% số ĐBQH tán thành. Như vậy chất lượng công tác làm luật còn một số nội dung còn những ý kiến khác nhau không được tranh luận làm rõ vấn đề, đó chính là điều đáng tiếc.
Thứ ba, có nhiều nội dung quan trọng, đáng lẽ ra phải có ưu tiên về những nội dung mà có nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu nhưng do khống chế thời gian nên nhiều ĐB đăng ký rồi nhưng không phát biểu được. Về Nghị quyết 35, bà con cử tri rất mong đợi sự thay đổi phản ánh được ý chí nguyện vọng cử cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): “Luật phải sát thực tế hơn”
Việc ban hành luật trong thời gian gần đây có tiến bộ hơn nhiều nhưng cũng không phải thật sự tốt lắm. Tôi thật sự mong muốn các đề án, dự án luật sát thực tế hơn, đòi hỏi lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Chúng ta phải trực tiếp nghe những người đó, xem các đối tượng đó họ muốn gì, họ nghĩ gì.
Với công tác giám sát, theo tôi cần sát thực tế hơn, nâng cao chất lượng hơn. Giám sát cần phải nhìn thẳng vào sự thật và dám nói sự thật. Đề xuất kiến nghị sau giám sát phải mạnh dạn, nói rõ những gì được, chưa được. Phải hạn chế giám sát chung chung.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): “Nhiều vấn đề cốt lõi chưa làm được hết”
Tôi thấy, thời gian qua Quốc hội dành nhiều thời giờ giải quyết những chuyện đột xuất. Những vấn đề thể chế, những vấn đề có tính chất lâu dài, cặn kẽ, cốt lõi vẫn chưa làm được hết. Khi giải quyết những vấn đề bức xúc theo kiểu sở đoản như vậy, chỉ được một lúc thôi vì nó không có cơ bản, nề nếp và nó lại trở lại như cũ.
Đáng nhẽ chúng ta phải giải quyết tận gốc vấn đề. Ví dụ như lĩnh vực kinh tế phải giải quyết được vấn đề cơ cấu, thể chế đã. Cứ thế này, thể chế thế này thì nó cứ bộc lộ những cái yếu kém, lộn xộn, rồi dập cái lộn xộn đó đi, khỏa lấp nó đi mà không giải quyết được những vấn đề lâu dài. Giống như cái mụn nhọt, khi thấy mưng mủ, thay vì phải giải quyết tận gốc, lại lấy thuốc rắc bên ngoài. Đúng là nó dịu ngay nhưng bên trong vẫn còn mưng mủ, rồi nó sẽ bật ra thôi.
Tôi cho rằng, phải có nghiên cứu rất sâu, làm tận cùng. Chứ cứ nói cho nó xuôi xuôi, người nọ thuyết phục người kia thế cũng được, thế coi như là được là không phải. Tuy rằng, có một số ít ý kiến khác, trái chiều nhưng người ta có suy nghĩ, có chất lượng thì có thể phải nghiên cứu. Có khi mình thấy đa số mà nhìn bề ngoài ủng hộ ngay thì chưa phải đã tốt./.