Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ hợp thứ 9 diễn ra từ 15-17/4.

Theo dự kiến chương trình, trong 2,5 ngày làm việc, các đại hiểu sẽ thảo về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Ban hành văn bản pháp luật, Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Tổ chức chính quyền địa phương, Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Tại phiên họp thứ 37 vừa diễn ra đầu tháng 4, sau khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ 2 phương án để xin ý kiến Trung ương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận nghiêng về ủng hộ phương án vẫn tổ chức HĐND cấp phường. Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương cũng nhận được nhiều ý kiến sâu sắc.

nguyen_thi_nuong_rroa.jpgTrưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho rằng: Mô hình tổ chức HĐND quay lại như cũ đáp ứng được nguyện vọng, ý chí của cử tri
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Phương án 1  quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Trong khi đó phương án 2 quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường

Về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ý kiến không đồng tình việc bổ sung nội dung mới về thẩm quyền của Thủ tướng. Cũng có ý kiến đề nghị ủng hộ bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; Tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về quy định số lượng cấp phó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình Quốc hội theo hướng xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là 5, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không quá 6; số lượng cấp phó của tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tối đa là 4; số lượng cấp phó của cục, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ không quá 3.

Cũng tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc sửa lại tên Luật Ban hành văn bản pháp luật thành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, cơ bản các ý kiến nhất trí với quan điểm của Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Ngoài ra, vẫn còn ý kiến khác nhau về nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội; Thẩm quyền ban hành nghị định quy định về những vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Thông tư liên tịch của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ./.