Trong phiên làm việc sáng 28/5 tới, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật trưng cầu ý dân.

Đây là Luật mới nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Lê Như Tiến - đoàn Quảng Trị cho rằng: Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đã cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013, đó là quyền và nghĩa vụ của công dân.

dsc_1082_fpty.jpg
Các đại biểu thảo luận tại hội trường quốc hội (Ảnh: Như Ý)

Công dân có quyền được thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của mình trước chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiến pháp cũng quy định rõ việc thực hiện trưng cầu ý dân là hình thức cơ bản nhất để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.

Do đó, theo đại biểu Lê Như Tiến, trưng cầu ý dân là một kênh quan trọng để các cơ quan chức năng có thêm thông tin trong việc hoạch định chính sách.

"Khi trưng cầu ý dân thì ý kiến của người dân phải rất được quan tâm, điều chỉnh chính sách cho phù hợp với nguyện vọng, chính kiến của người dân. Bên cạnh lấy ý kiến nhân dân chúng tôi cũng kiến nghị nên lấy ý kiến của các ngành, các giới, các chuyên gia, các nhà khoa học để họ phản biện…mục đích cuối cùng là để cho ra những chính sách tốt cho cuộc sống…”, đại biểu Lê Như Tiến nói.

Theo một số đại biểu, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, cho nên việc trưng cầu ý dân trong những trường hợp cần thiết là đúng.

Đây là vấn đề cần phải được luật hóa và là cơ sở để thực hiện những vấn đề liên quan đến trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - đoàn Ninh Thuận, đây là lần đầu đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội nên cần phải thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chế định của luật này.

Luật cần được xây dựng một cách chặt chẽ, cụ thể và phải lường được hết mọi vấn đề như: Khi nào thì trưng cầu ý dân; chủ thể nào có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; cơ quan nào sẽ công nhận kết quả trưng cầu, tính hiệu lực của trưng cầu ý dân. Về việc lựa chọn nội dung nào nên đưa ra để trưng cầu ý dân.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến: “Vấn đề này cũng lựa chọn từng vấn đề một nhưng chỉ là những vấn đề lớn liên quan đến quốc gia, dân tộc hoặc đối tượng điều chỉnh lớn, rộng khi đưa ra thảo luận ở Quốc hội hoặc trong xã hội mà thấy rằng vấn đề đó còn đang có những ý kiến, còn ở mức độ 50/50, tức là không “ngã ngũ” được, không có được một quyết định một cách chính xác thì đưa ra trưng cầu dân ý. Trên cơ sở đó để bổ sung cho quyết định sẽ thực hiện trong thời gian tới”.

Đại biểu Bùi Thị An - đoàn Hà Nội cho rằng: Ngay từ Hiến pháp năm 1946 đã quy định cụ thể những vấn đề Nhà nước phải đưa ra để nhân dân phúc quyết cũng như thủ tục tiến hành. Điều đó chứng tỏ việc xây dựng thể chế để thực hiện trưng cầu ý dân đã có từ rất sớm và luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Đến bây giờ, trong điều kiện đất nước hiện nay, chúng ta có đủ căn cứ, điều kiện để xây dựng Luật trưng cầu ý dân nhằm khẳng định và thực hiện trên thực tế quyền quyết định trực tiếp của người dân với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Liên quan đến chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, pháp luật đã quy định các cơ quan: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Đại biểu Bùi Thị An đề nghị: "Theo tôi Mặt trận Tổ quốc phải là người đại diện cho dân để trưng cầu dân ý, hỏi ý kiến dân. Tôi cho rằng rất cần thiết vì Mặt trận Tổ quốc là tổ chức rộng rãi, đoàn kết toàn bộ lực lượng trong xã hội, là người đại diện, lại có bộ máy đến tận địa phương. Nếu Mặt trận Tổ quốc làm được điều này tôi cho rằng rất hữu ích và hiệu quả, cử tri chắc chắn sẽ hài lòng".

Cử tri và đại biểu Quốc hội hy vọng việc xây dựng và ban hành Luật trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý để người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với những vấn đề quan trọng của đất nước./.