Tại phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bế mạc chiều 14/5, dự thảo Luật Trưng cầu ý dân lần thứ hai được đưa ra. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, “trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể”. Và theo nhiều chuyên gia pháp lý, đây là thời điểm chín muồi để ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Nó thể hiện vai trò nhiều khi có tính quyết định của người dân trong các hoạt động chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước; khẳng định tiếng nói của người dân luôn được lắng nghe, được tôn trọng; là việc cụ thế hóa những điều đã được hiến định; cụ thể hóa tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chẳng phải bây giờ vấn đề trưng cầu ý dân mới được bàn tới. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946 đã khẳng định vai trò, sứ mệnh của người dân khi “Có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Hiến pháp 2013 thì xác định “Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Nhưng cụ thể nó thành một văn bản luật như Luật Trưng cầu ý dân thì đến nay vẫn là dự thảo và đang được lấy ý kiến đóng góp để đưa ra tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 tới đây.
Ý kiến nhiều chiều của người dân được lắng nghe, được chọn lọc đã góp phần hoàn thiện hơn công tác quản lý Nhà nước, công tác xây dựng luật; thậm chí còn có tính quyết định đối với một chủ trương, chính sách cụ thể của bộ, ngành hoặc địa phương. Đã từng có việc dừng ban hành văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tế; đã từng có việc dừng thực hiện các chủ trương, chính sách không đúng pháp luật, không hợp lòng dân.
Mỗi một chủ trương, một chính sách đều liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hiện tại và tương lai của người dân. Nếu như không tôn trọng dân, lắng nghe dân; không tập hợp được trí tuệ, sức sáng tạo của dân thì sẽ thất bại trong công tác quản lý, điều hành, dẫn đến mất lòng tin của dân. Nói thế để thấy, lúc nào, ở đâu và trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội đều không thể thiếu sự tham gia của người dân. Nhưng việc làm đó mới chỉ là tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chưa phải trưng cầu ý dân.
Trưng cầu ý dân hay bỏ phiếu toàn dân là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, trong đó toàn bộ các cử tri được yêu cầu chấp nhận hay phủ quyết một đề xuất đặc biệt. Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, dẫu có thời kỳ người dân bị coi là yếm thế, là không có “quyền”, nhưng khi cần tiếng nói chung, cần sự đồng thuận, cần sức mạnh, cần quyết định những việc hệ trọng, thì người dân được trưng cầu. Và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của những quyết định ấy.
Ngày nay, người dân với đầy đủ các “quyền” của mình, trưng cầu ý dân lại càng được đặt ra, không chỉ giới hạn ở một nước, một quốc gia mà đã có tới 167 trong tổng số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.
Có trưng cầu ý dân, người dân mới trực tiếp thể hiện được ý chí và quyền lực của mình; mới chủ động tham gia một cách sâu, rộng, có tính quyết định đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định “Đã trưng cầu ý dân thì ý kiến của nhân dân là ý kiến quyết định. Đó là nguyên tắc, đã trưng cầu ý dân là do dân quyết định chứ Quốc hội không thể quyết định được”.
Một khi người dân được nói tiếng nói của mình sẽ góp phần làm cho hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước, của các cấp chính quyền ngày càng được củng cố, minh bạch, khách quan hơn; tạo được lòng tin nơi dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị. Và khi quyết định một vấn đề gì, Người cũng “lấy dân làm gốc”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được chuyển hóa bằng những việc làm cụ thể trong công tác xây dựng pháp luật và các lĩnh vực hoạt động khác mà việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân là một ví dụ.
Dù đang còn những băn khoăn, e ngại; còn nhiều ý kiến khác nhau về cá nhân hay cơ quan nào tổ chức trưng cầu ý dân; về vấn đề cần trưng cầu; như thế nào là một cuộc trưng cầu hợp lệ; về sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể…nhưng rõ ràng, đến lúc người dân phải được thể hiện những “quyền” mà Hiến pháp đã quy định, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.