Chiều 13/5, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự án Luật Trưng cầu ý dân. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố.
Đa số đại biểu tại hội nghị đều thống nhất với những quy định của dự thảo Luật và khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân cũng như mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp cho người dân là vô cùng quan trọng. Qua đó, tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách là chủ thể vào các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân và những vấn đề nào không được đưa ra trưng cầu ý dân. Đồng thời, cũng cần quy định rõ phạm vi trưng cầu ý dân về từng vấn đề cụ thể vì có những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng phạm vi tác động chỉ ở một khu vực thì Quốc hội chỉ cần trưng cầu ý dân ở khu vực đó thay vì trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước.
Tại hội nghị, ý kiến của một số đại biểu cũng cho rằng để cuộc trưng cầu ý dân được tiến hành dân chủ, khách quan, công khai và minh bạch theo đúng quy định của pháp luật thì việc quy định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức và công dân trong giám sát việc trưng cầu ý dân là cần thiết. Chính vì vậy dự thảo Luật cần tăng cường các quy định về giám sát trực tiếp của nhân dân - chủ thể thực hiện quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ đề nghị bổ sung thêm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân trong dự thảo luật. Bởi theo Luật sư Trần Thanh Phong, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân./.