Tại phiên họp lần này, Quốc hội khóa XIII dành khá nhiều thời gian thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về những nội dung liên quan đến bản dự thảo này, bên lề kỳ họp, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã có trao đổi với báo chí.

dinh-xuan-thao.jpg
Ông Đinh Xuân Thảo trao đổi với báo chí

PV:Thưa ông, theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, những vấn đề gì và như thế nào thì nhất thiết phải đưa ra lấy ý kiến cả nước?

Ông Đinh Xuân Thảo: Hiến pháp quy định những quyền cơ bản của công dân và nhà nước phải tạo điều kiện thực thi. Bên cạnh đó, một số quyền cơ bản của công dân có thể hạn chế với 2 điều kiện: liên quan đến lợi ích quốc gia, quốc phòng - an ninh và lợi ích của cộng đồng lớn… Những nội dung này được quy định bằng luật. Lần này, sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua thì một loạt luật phải ban hành, ví dụ Luật biểu tình. Có thể nói, Hiến pháp sẽ là sự cam kết để Nhà nước ban hành các luật để đảm bảo qyền công dân, con người được thực thi.

Về trưng cầu ý dân thì những việc như xây dựng cao tốc sắt bắc - nam thì đúng là phải trưng cầu ý dân. Cùng với việc sửa Hiến pháp, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013 đã dự liệu các luật rồi.

PV:Vậy phần quyền lực mà người dân giữ lại sẽ sử dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Phần nhân dân giữ lại cho mình là quyền lực trực tiếp trong việc quản lý nhà nước, xã hội. Chúng ta phải nhấn mạnh việc quy định trưng cầu ý dân. Điều này, Hiến pháp cũ có rồi nhưng có điều không có luật để cụ thể hóa và không thực hiện. Và lần này, Chương 2 quyền cơ bản của con người, công dân, những nội dung này được thể hiện bằng luật. Ý dân cũng có luật để xác định rõ nội dung nào, công việc nào phải trưng cầu ý dân, người ta sẽ xác định những vấn đề quan trọng quốc gia, đặc biệt những vấn đề quan trọng ở địa phương. Ở Nga, năm 1991 có Hiến pháp mới thì đến năm 1993 có Luật ý dân. Tuy nhiên, phải xác định được là những việc nào chứ không phải là tất cả các việc. Còn ở Việt Nam phải làm từng bước…

PV: Có thể hiểu, việc xây dựng Luật xin ý kiến Nhân dân và như Hiến pháp có phải là trưng cầu không, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo:Trưng cầu phải có tiêu chí, như về môi trường, kinh tế, liên quan đến người dân,… Ví dụ mở 1 con đường thực sự cấp bách phải đi qua nhà dân thì chúng ta thuyết phục, nhưng với nhiều phương án thì vẫn phải hỏi ý kiến người dân. Nếu dân không đồng ý thì chủ đầu tư phải nắn đường.

PV:Vậy quyền công dân lần này có gì mới ở khía cạnh dân chủ trực tiếp, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo:Đúng bản chất, Hiến pháp là khế ước xã hội là đồng thuận của nhân dân trao cho nhà nước quyền lực của mình, những quyền gì và đến đâu để Nhà nước có quyền quản lý, điều hành xã hội.

Đồng thời với đó, có cơ chế để Nhà nước không lạm quyền và người dân được sử dụng đúng quyền lực chính trị của mình. Như vậy, ta đưa nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền là phạm vi hiến pháp và pháp luật phải thực thi cho đúng và Hiến pháp là văn bản thể hiện sự trao quyền lực của nhân dân, thể hiện rất rõ ở điều 1 và 2. Quyền lực nhà nước tập trung thống nhất, thống nhất ở nhân dân, giờ dân trao lại cho Nhà nước. Trước đây, người ta hiểu là trao cho Quốc hội- cơ quan quyền lực cao nhất- hiểu như vậy cũng là không chính xác.

PV:Theo dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, quyền bầu cử không thay đổi nhiều, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Bầu cử là dân chủ trực tiếp quan trọng nhất, sau đó mới đến trưng cầu ý dân. Lần này dự kiến đưa ra thiết chế Hội đồng bầu cử Quốc gia độc lập. Cơ quan này vẫn tồn tại sau khi xong bầu cử để xem xét khiếu nại tố cáo...

PV:Vậy còn Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Quốc hội giám sát tối cao các cơ quan quyền lực nhà nước, thể hiện là quyền lực của nhân dân bởi nhân dân trực tiếp bầu ra Quốc hội và Quốc hội đại diện nhân dân giám sát. Đến lượt mình, Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân. Theo quy định, đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hàng năm phải báo cáo kết quả thực hiện cho dân… Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì đề nghị bãi nhiễm tư cách đại biểu Quốc hội. Vừa rồi, có văn bản thỏa thuận giữa UBTVQH với MTTQ về các hoạt động của đại biểu QH trước cử tri.

PV:Chức năng giám sát của Chính phủ - cơ quan hành pháp với Quốc hội và Tư pháp được cho là chưa rõ ràng, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo:Đúng là hiện nay có việc này. Vai trò kiểm soát của Chính phủ là hành pháp với lập pháp, tư pháp mới ở góc độ hành chính. Thông qua quản lý hành chính của cơ quan quản lý hành chính cao nhất, những vấn đề thuộc hành chính, tài chính thì Chinh phủ kiếm soát… Chính phủ mới làm việc đó, còn hành pháp, tư pháp và lập pháp còn hạn chế. Lần này sẽ được sửa đổi theo hướng, Chính phủ là cơ quan hành pháp sẽ chủ động đề xuất chính sách và sẽ làm tốt hơn vai trò giám sát.

PV:Xin cảm ơn ông!/.