“Qua 10 năm triển khai Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng pháp luật của Nhà nước ta đã có nhiều tiến bộ, hệ thống pháp luật Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc của Đoàn công tác  Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020" với Đảng uỷ Công an Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết trong toàn lực lượng công an nhân dân.

Hội nghị diễn ra chiều nay (23/7) tại Hà Nội, với sự tham dự của Đại tướng Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, và lãnh đạo một số Bộ, ban ngành Trung ương.
ptt_nguyen_xuan_phuc_wwjn.jpg
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với Đảng uỷ Công an Trung ương

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ khác trong Nghị quyết 48, thời gian qua Bộ Công an đã không ngừng phát triển, mở rộng hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu hệ thống pháp luật.

Theo đó, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội ban hành 11 luật, 8 pháp lệnh, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 94 Nghị định, 64 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, trong công tác giải quyết, cấp các giấy tờ có liên quan đến công dân như: Cấp hộ chiếu, chứng minh thư, các loại giấy phép liên quan đến an ninh, trật tự, tuyển sinh, tuyển dụng, thăm gặp phạm nhân, học viên... Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực, bảo đảm hoạt động các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao công tác chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị của Đảng uỷ Công an Trung ương theo đúng kế hoạch và hướng dẫn trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 48 của Đảng ủy Công an Trung ương là hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự còn chưa đồng bộ, và vẫn còn nhiều trường hợp áp dụng pháp luật sai, ảnh hưởng đến người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị: Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục hoàn thiện báo cáo để gửi tới Ban chỉ đạo thông qua Ban Nội chính Trung ương theo đúng tiến độ, hướng dẫn. Đồng thời cần có giải pháp cả trong xây dựng pháp luật và thực thi áp dụng pháp luật để đảm bảo mọi quyền lực đều phải được kiểm soát, mọi hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ không chỉ trong nội bộ ngành mà kể cả qua người dân, tổ chức đoàn thể liên quan. Tiếp tục kiện toàn, tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ điều tra, cán bộ chiến sỹ làm việc trực tiếp với người dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Nghị quyết đặt ra và căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao Bộ Công an cần có đánh giá chung kết quả thực hiện có vấn đề cần rút kinh nghiệm, những việc gì Nghị quyết giao mà chúng ta chưa làm xong, điều gì cẩn sửa đổi bổ sung hay không? Đặc biệt trong quá trình làm luật các đồng chí cần chú ý không để oan sai, khi xây dựng và triển khai luật trên tinh thần là không bó chân, bó tay anh em thực hiện nhiệm vụ”.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị: Các đơn vị trong ngành trân trọng tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác. Trên cơ sở đó nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới một cách cụ thể, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, của Bộ Công an để triển khai đảm bảo tiến độ.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Bộ Công an luôn coi trọng vấn đề tổ chức thật tốt việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để phát huy hơn nữa vai trò quản lý, giữ vững ổn định xã hội. Thông qua đó để người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình và bảo vệ quyền tự do, dân chủ chính đáng của người dân. Góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự./.