Một trong những điểm mới của Hiến pháp 2013 đó là những quy định nhằm đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chính những quy định đó cũng chi phối hoạt động của các cơ quan Tư pháp, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc triển khai Hiến pháp 2013.

vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

PV: Thưa ông, trong Hiến pháp mới, ngành Kiểm sát có vị trí như thế nào?

Ông Nguyễn Hòa Bình

:
Cơ quan Viện Kiểm sát là ngành có nhiệm vụ thi hành Hiến pháp và bảo vệ việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Với chức năng thi hành Hiến pháp, Hiến pháp đã khẳng định Viện Kiểm sát có 2 chức năng chính là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động Tư pháp. Thông qua việc thực hiện chức năng này, ngành Kiểm sát phải thực thi tất cả những nguyên tắc đã được Hiến pháp ghi nhận, trong đó có nhiều nguyên tắc quan trọng. Đối với nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, ngành Kiểm sát có nhiệm vụ đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

PV: Thưa ông, so với Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp mới có những sửa đổi tiến bộ như thế nào trong lĩnh vực tư pháp, nhất là về quyền con người?

Ông Nguyễn Hòa Bình: Hiến pháp lần này có nhiều đổi mới, liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát. Mặc dù khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện của đất nước, của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng quyền lực cũng có sự phân công giữa quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp. Ba nhánh quyền lực này phối hợp chặt chẽ và kiểm soát nhau. Theo đó, ngành Kiểm sát là một trong những thiết chế để đảm bảo việc kiểm soát quyền lực này nhất là những quyền lực liên quan đến họa động Tư pháp.

Thứ hai, trong Hiến pháp cũng quy định rất nhiều các nguyên tắc Tư pháp tiến bộ bằng hoạt động Tư pháp của chúng ta trong nhiều năm qua, được thể hiện trong rất nhiều Bộ luật khác nhau từ trước đến nay. Nhưng lần này, những nguyên tắc này được Hiến pháp ghi nhận: đã là Hiến pháp thì đạo luật gốc là đạo luật quan trọng nhất phải chấp hành và tất cả dự án luật dưới Hiến pháp sau đây phải thể hiện các nguyên tắc này.

Nội dung thứ 3 rất tiến bộ của Hiến pháp lần này là tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Rất nhiều Quyền con người đã được Hiến chương Liên Hợp Quốc ghi nhận thì lần này được khẳng định trong Hiến pháp. Không khí dân chủ và tinh thần dân chủ của Hiến pháp được ghi nhận rất đậm nét trong Hiến pháp lần này và chi phối hoạt động của các cơ quan Tư pháp, trong đó có Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra và Tòa.

PV: Thưa ông, ngành Kiểm sát cần sửa đổi các quy định và làm gì để thực thi Hiến pháp mới hiệu quả?

Ông Nguyễn Hòa Bình:Chúng tôi triển khai đến toàn thể cán bộ viên chức trong ngành về tinh thần mới của Hiến pháp. Phải có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu trong nhiều khuôn khổ khác nhau kể cả việc tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu của mỗi cán bộ với tư cách là người đảm bảo, bảo vệ cho Hiến pháp, pháp luật được thực thi nghiêm túc và thống nhất.

Cán bộ viên chức trong ngành Kiểm sát với vai trò là cán bộ thực thi pháp luật, có hiểu biết pháp luật cũng phải là một trong những người tuyên truyền cho công chúng về bản Hiến pháp này, giáo dục cho công chúng chấp hành Hiến pháp. Chúng tôi phải tổ chức nghiên cứu và giảng dạy tinh thần mới của Hiến pháp trong ngành và trong các cơ sở đào tạo của ngành để chuẩn bị cho các Kiểm sát viên tương lai nắm chắc Hiến pháp.

Việc nữa rất quan trọng là chúng tôi được giao chủ trì 2 Bộ luật quan trọng là Bộ Luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức Viện kiểm sát. Ngoài ra, ngành Kiểm sát còn được phối hợp cới các cơ quan khác như Tòa án, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để xây dựng các dự án luật khác như: Luật hình sự, Luật Tổ chức Tòa án, Luật tổ chức công an điều tra, Luật luật sư... những dự luật liên quan đến hoạt động Tư pháp và liên quan đến quyền con người.

Cuối cùng, khi tổ chức thực hiện thì trong mỗi kế hoạch công tác, trong các chủ trương, định hướng, chúng tôi cũng yêu cầu các Kiểm sát viên tổ chức cuộc đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm trong điều kiện mới, điều kiện tôn trọng dân chủ, đảm bảo quyền con người, quyết tâm ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm nhưng phải tuân thủ thực thi Hiến pháp./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.