Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại Hội trường đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chương III về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Nên tách quyền con người và quyền công dân

Đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) đánh giá cao nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc khẳng định như thế thể hiện sự tôn trọng quyền con người là trên hết của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp là tạo ra môi trường công bằng cho con người phát triển toàn diện.

Theo đại biểu Trương Thị Thu Trang, với các thiết chế chế định trên đã toát lên bản chất của Hiến pháp là làm rõ quyền con người và quyền công dân. Người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và trách nhiệm của nhà nước là thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định rõ quyền công dân gắn kết chặt chẽ và tương xứng với nghĩa vụ công dân.

Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình cao với việc quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ở Chương II ngay sau Chương I của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quy định về chế độ chính trị của dự thảo sửa đổi Hiến pháp điều này thể hiện rõ Nhà nước ta thừa nhận và tôn trọng quyền con người, quyền cơ bản của công dân một cách đầy đủ, các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa, bởi vì các quyền cơ bản là quyền tối thiểu của công dân mà họ đương nhiên được hưởng và Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của mình.

tran-van-tu--dong-nai.jpg
Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đóng góp cho chương III về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh: Quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân là một địa vị pháp lý được Hiến định và pháp luật quy định. Nhưng quyền con người là quyền tự nhiên, mỗi người sinh ra đều có quyền tự nhiên này.

Tuy nhiên, quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân thì cần làm rõ và tách bạch ra. Bởi vì một người có thể mất quyền công dân nhưng mà quyền con người đương nhiên phải có. Trong Hiến pháp làm sao để phân định và cũng có những định nghĩa, khái niệm cho rõ ràng về quyền con người. Có thể nói, quyền con người thì không ai có thể xâm phạm được.

Đại biểu Trần Văn Tư (đoàn Đồng Nai) đề nghị nên tách quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân, để bảo đảm cho hoạt động tách bạch. Khi người công dân tiếp cận, mọi người khác tiếp cận đều biết quyền của mình ở đâu và cái nào nên có hạn chế và cái nào là không bị hạn chế.

Giới hạn về quyền của con người, quyền công dân phải được quy định rõ trong luật

Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí với quy định tại Khoản 2, Điều 15 về một số quyền của công dân có thể bị giới hạn để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội cũng như không được gây ảnh hưởng tới các quyền của người khác.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hồng Hà, những giới hạn về quyền của con người, quyền cơ bản của công dân cần phải được quy định cụ thể trong luật để tránh tình trạng giới hạn tràn lan.

Một số quyền cơ bản của nhân dân như quyền tự do đi lại và cư trú, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài tại Điều 24 hoặc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp biểu tình tại Điều 26 thì cần phải bỏ điều kiện kèm theo là theo quy định của pháp luật. Vì đây là những quyền cơ bản Hiến định phải được thực hiện trong thực tế. Do đó, cần có quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục và cách thức thực hiện các quyền nêu trên do luật định. Bởi vì Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản có giá trị pháp lý cao nhất đã quy định các quyền cơ bản của công dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm ban hành luật để cho công dân thực hiện các quyền cơ bản của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Đóng góp về quyền của công dân trong tự do đi lại và cư trú, đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cho rằng, tại Khoản 2 nếu quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế mức độ cần thiết trong trường hợp cần thiết, trong trường hợp khẩn cấp là không đúng. Vì trong thực tế tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và từng thời kỳ nhất định mà nhà nước cho phép hay hạn chế việc thực hiện quyền con người, quyền công dân chứ không phải chỉ là trong trường hợp khẩn cấp như là trong dự thảo.

Ví dụ, quyền tự do cư trú Điều 24 có thể bị hạn chế theo quy định của Luật Cư trú với các điều kiện đều không phải là trong trường hợp khẩn cấp. Hay quyền tự do kinh doanh Điều 34, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ai đó có thể bị hạn chế quyền này do không đáp ứng được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ đâu phải bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp./.