Lễ Công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra sáng nay (3/12) tại Hà Nội. Tham dự buổi lễ có bà Prathibha Mehta - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ trình bày Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 tại Hội đồng nhân quyền vào tháng 1/2014. Để chuẩn bị cho sự kiện này và xây dựng Báo cáo, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, ngay từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập Nhóm công tác liên ngành soạn thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 với sự tham gia của 18 Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và quốc hội có liên quan.
Nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu về những lĩnh vực cụ thể đã được thực hiện cả ở Trung ương và địa phương nhằm thu thập thông tin xây dựng, báo cáo, xác định các nội dung và lĩnh vực ưu tiên cần đề cập, những thách thức, định hướng trong thời gian tới trong việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam.
Thực hiện tiến trình kiểm điểm Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát theo quy định của Hội đồng nhân quyền song song với quá trình chuẩn bị báo cáo quốc gia, Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân chuẩn bị tài liệu về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam trên từng lĩnh vực cụ thể, đóng góp vào báo cáo văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ.
Ông Hoàng Chí Trung cho biết: “Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam và cả tiến trình thực hiện cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát của Hội đồng nhân, quyền không chỉ giúp cung cấp cho cộng đồng quốc tế cái nhìn toàn diện về thực tiễn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt nam, kể từ lần kiểm điểm trước, mà còn giúp một lần nữa khẳng định với quốc tế sự nghiêm túc, trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết”.
Bà Prathibha Mehta khẳng định, đánh giá của Chính phủ về cách thức Việt Nam thực hiện cụ thể các khuyến nghị và sự phát triển của tình hình nhân quyền là cách thức hữu ích giúp mọi công dân hiểu hơn về đánh giá của Chính phủ đối với tình hình và thách thức về quyền con người tại Việt Nam.
LHQ vui mừng vì Chính phủ Việt Nam đang sử dụng cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát theo đúng nghĩa, tức là cơ chế đối thoại giữa mọi đối tác trong xã hội để thảo luận các vấn đề và thách thức nhân quyền.
Bà Prathibha Mehta khẳng định: “Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 chứng nhận rằng, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế về quyền con người trong những năm qua. Sự ứng cử của Việt Nam đã được ủng hộ bởi chính các cam kết tự nguyện của các bạn. Các cam kết tự nguyện đó bao gồm việc cam kết tiếp tục cải thiện các hệ thống tư pháp và pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và tăng cường các thể chế quốc gia về bảo vệ nhân quyền, trong đó có khả năng thiết lập một thể chế nhân quyền quốc gia”.
Phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 1/2014. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chính thức bắt đầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016./.