Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và thu hút được sự quan tâm của hầu hết người dân trong và ngoài nước. Cũng như nhiều người, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn khóa IV dành nhiều thời gian nghiên cứu bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp và trăn trở về nhiều nội dung quy định tại dự thảo.

Một trong những vấn đề ông quan tâm nhất là Bản Dự thảo sửa đổi đã bỏ đi Điều 66 của Hiến pháp 1992 Điều 66. Điều 66 Hiến pháp 1992 quy định: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo ông Vũ Mão: “Việc bỏ Điều 66 của Hiến pháp 1992 là không hợp lý, chứng tỏ nhận thức về vai trò của thanh niên chưa đầy đủ”.

Ông lấy dẫn chứng về giới trẻ và vai trò của tổ chức thanh niên trong các bản Hiến pháp: Điều 14, Hiến pháp 1946 ghi rằng, “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”; Điều 35, Hiến pháp 1959 quy định: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục, thể dục”.

vu-mao.jpg
Ông Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn khóa IV 

Còn tại Điều 66, Hiến pháp 1980 thì ghi rõ: “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động và giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực; chăm lo bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá”.

Tại Điều 66, Hiến pháp 1992 nêu rằng:“Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Vũ Mão kiến nghị giữ lại Điều 66 Hiến pháp 1992, với nội dung được sửa đổi và bổ sung: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước”.

Nội dung về quyền con người cũng là một vấn đề mà ông Vũ Mão dành nhiều sự quan tâm. Về quyền con người được thể hiện trong Dự thảo ở Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) quy định: “1- Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Ông Vũ Mão cho rằng,việc bổ sung mới ở Điều 15 chưa ổn. Điều 15 cũ chỉ có một khoản, Điều 15 mới chia làm hai khoản. Khoản 1 cơ bản giữ nội dung của Điều 15 cũ, nhưng thêm Khoản 2 là“quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng...”khiến người đọc có cảm giác bị siết chặt hơn. “Tôi hiểu thiện chí tốt của Ban soạn thảo, nhưng việc bổ sung lại “lợi bất cập hại”. Do đó tôi đề nghị xem xét lại Điều 15 của Dự thảo. Theo tôi là không cần thiết, dễ gây hiểu lầm, nặng nề và dễ làm thêm phức tạp của tình hình đang nhạy cảm hiện nay”- ông Vũ Mão đề nghị.

Quan điểm, tư duy mới về kinh tế

Về vấn đề sở hữu đất đai, ông Vũ Mão cho rằng, Điều 57, 58 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, cần nghiên cứu, bổ sung thêm một trong cái lớn nhất là về quyền hạn giao đất và quản lí đất đai. Bởi vấn đề đất đai bây giờ đang rất nóng bỏng, là sự sống còn của người dân, của đất nước, thời gian qua nhiều địa phương lấy quá nhiều đất trồng lúa, phải lên tới hàng chục vạn ha đất để chuyển sang mục đích khác.“Điểm lại một số địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… và một số nơi khác, lấy nhiều đất bờ xôi ruộng mật quá, người dân sẽ sống thế nào. Do đó, tôi đề nghị Hiến pháp sửa đổi thêm một câu: Đất trồng lúa phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Quy định rõ, lấy từ 1 ha đất trồng lúa phải xin ý kiến Thủ tướng, trên 10 ha phải xin ý kiến Quốc hội… tùy thực tế nhưng tinh thần là phải thể hiện rõ là đất trồng lúa được bảo vệ nghiêm ngặt không chỉ cho chúng ta mà con cháu chúng ta”- Ông Vũ Mão đề nghị.

Về các thành phần kinh tế, Điều 54 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Ông Vũ Mão cho rằng, đây là sự thể hiện quan điểm, tư duy mới về kinh tế đã đề cập trong Nghị quyết Trung ương 6. Nếu Hiến pháp lần này thực hiện được thì sẽ tạo những thay đổi mang tính đột phá, thậm chí hơn cả cương lĩnh Đại hội 11 đưa ra. Quy định này làm cho tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và cùng phát triển./.