Bên cạnh việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR) chu kỳ 2 về tình hình thực hiện các quyền con người tại Việt Nam. Dự kiến, phiên kiểm điểm UPR chu kỳ 2 về Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 1/2014 tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Cũng trong tiến trình UPR chu kỳ 2 này, lần đầu tiên, nhiều tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã tổ chức tham vấn và xây dựng báo cáo chính thức của mình về tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam, độc lập với báo cáo của Nhà nước, để đóng góp thông tin vào tài liệu tổng hợp của các bên liên quan do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ soạn thảo. Theo quy định, báo cáo của các bên liên quan phải nộp chậm nhất vào ngày 17/6/2013, và báo cáo của Chính phủ sẽ nộp chậm nhất vào ngày 28/10/2013.
Xung quanh những vấn đề trên, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Trần Chí Thành, Trưởng phòng nhân quyền, Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao.
PV:
Thưa ông, việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam? |
Việt Nam đạt được nhiều thành công trong xoá đói nghèo |
Ông Trần Chí Thành:
Việt Nam đã chính thức ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ khoá 2014-2016. Kết quả sẽ có sau phiên bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng LHQ vào tháng 11 tới. Có thể nói rằng, nếu trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam một lần nữa khẳng định được vị thế và vai trò của mình đối với bạn bè quốc tế, cũng như khẳng định tiếng nói của nước ta trong việc tham gia vào các vấn đề của quốc tế nói chung cũng như vấn đề đảm bảo quyền con người nói riêng.
Thông qua sự tham gia vào những công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam có cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu, chính sách về quyền con người; đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi với bạn bè các nước và tranh thủ mọi nguồn lực quốc tế cho việc đảm bảo ngày càng tốt hơn sự thụ hưởng các quyền con người của người dân.
Với kỳ vọng trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đang nỗ lực hết mình trên cả 2 phương diện. Đó là đảm bảo các quyền con người cho người dân và tích cực hợp tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ cũng như với bạn bè quốc tế nhằm thể hiện rõ chính sách, thiện chí của Việt Nam tham gia các công việc chung của thế giới.
Với tư cách là quan sát viên, thời gian qua, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đây là cơ sở quan trọng để tin tưởng rằng nếu được bầu, Việt Nam sẽ trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền LHQ trong nhiệm kỳ tới.
PV:
Việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam được rất nhiều nước, tổ chức quốc tế quan tâm. Ông có thể cho biết, vấn đề này được Chính phủ Việt Nam chú trọng như thế nào?
Ông Trần Chí Thành:
Chính phủ luôn có nhiều chính sách để thực hiện các quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao các điều kiện và chất lượng sống của người dân. Điều đó đã được chứng minh trên thực tế, nền kinh tế-xã hội của đất nước ta không ngừng phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
PV:
Vào tháng 1/2014, Việt Nam sẽ tiến hành kiểm điểm theo cơ chế UPR chu kỳ 2. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị của nước ta đối với phiên kiểm điểm này?Ông Trần Chí Thành:
Để chuẩn bị cho phiên UPR lần thứ 2, Việt Nam đang tích cực soạn thảo báo cáo quốc gia. Đây là 1 trong 3 tài liệu chính thức được sử dụng trong tiến trình UPR.
Chính phủ đã thành lập Nhóm công tác liên ngành gồm 18 cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối, nhằm soạn thảo một báo cáo toàn diện về việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Từng Bộ, ngành sẽ tập hợp thông tin về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách dựa trên các nội dung khuyến nghị đã chấp nhận trong phiên kiểm điểm UPR chu kỳ 1.
Từ thông tin của các Bộ, ngành, Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp thành báo cáo chung để trình Chính phủ xem xét, thông qua. Thời hạn chậm nhất để Việt Nam nộp báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền LHQ là ngày 28/10/2013.
PV:
Thưa ông, những nội dung chính nào sẽ được đưa ra trong báo cáo quốc gia do Chính phủ soạn thảo?
Ông Trần Chí Thành:
Báo cáo của Chính phủ sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận trong phiên UPR lần thứ nhất; Những tiến triển của Việt Nam trên thực tế trong việc đảm bảo quyền con người; Những thách thức của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền con người cũng như hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam đã tham gia UPR lần thứ nhất vào tháng 5/2009. Trong lần Kiểm điểm này, báo cáo của Chính phủ Việt Nam đã được chuẩn bị với sự tham gia của một số Bộ, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo.
Về báo cáo của các bên liên quan, 12 tổ chức quốc tế đã trình báo cáo lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trước phiên kiểm điểm, trong đó không có báo cáo từ các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.
Có thể nói, việc thực hiện UPR được tính từ tháng 9/2009 sau khi Việt Nam hoàn thành việc thông báo về những khuyến nghị mà Việt Nam chấp nhận. Sau đó, Chính phủ đã phân công các Bộ, ngành thực hiện những khuyến nghị UPR theo từng lĩnh vực cụ thể. Đến thời điểm này, Việt Nam đang trong giai đoạn tổng hợp dự thảo báo cáo.PV:Thưa ông, tại sao tại phiên UPR lần thứ 2, các tổ chức phi Chình phủ tham gia xây dựng một báo cáo chính thức, độc lập và song song với báo cáo của Nhà nước, để đệ trình lên Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ?
Ông Trần Chí Thành:
Sẽ có 3 tài liệu chính thức được sử dụng trong tiến trình kiểm điểm UPR. Đó là báo cáo quốc gia do Chính phủ soạn thảo; Tài liệu tổng hợp thông tin do các tổ chức quốc tế và các cơ quan công ước về nhân quyền của LHQ do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tập hợp; Tài liệu của các bên liên quan tập hợp thông tin của các tổ chức phi Chính phủ ở trong nước và quốc tế cũng như cá nhân và tập thể có quan tâm về tình hình Việt Nam. Hai tài liệu sau do Văn phòngCao uỷ Nhân quyền LHQ tổng hợp. Đây là quy định chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ.Tại tiến trình UPR lần thứ nhất, các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam chưa hiểu rõ về quy trình trên nên họ chưa tham gia. Tài liệu của các bên liên quan về tình hình thực hiện quyền con người tại Việt Nam khi đó được tổng hợp từ thông tin do các tổ chức phi Chính phủ hoạt động ở nước ngoài cung cấp, nên dẫn đến có những thông tin sai lệch, không chính xác về tình hình Việt Nam.
Rút kinh nghiệm từ tiến trình UPR lần thứ nhất, trong lần kiểm điểm này, Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp những thông tin khách quan, đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy về tình hình nước ta, đóng góp vào tài liệu của các bên liên quan do Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ tổng hợp. Mọi thông tin có thể gửi qua email theo địa chỉ: uprsubmission@ohchr.org hoặc về Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đặt tại Geneva (Thụy Sĩ). Độ dài báo cáo chung của nhiều tổ chức không quá 5.630 từ tiếng Anh; báo cáo của cá nhân, một tổ chức không quá 2.815 từ. Thời hạn nộp báo cáo là ngày 17/6/2013.