Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật-Dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cũng như nhiều người dân Việt Nam, ông rất quan tâm đến dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt là nội dung về quyền con người.

Ông mong rằng, Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật có hiệu lực cao nhất được dùng làm cơ sở pháp lý thống nhất cho toàn Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân tiến hành sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong một thời kỳ lâu dài. Vì vậy, việc chuẩn bị dự thảo Hiến pháp cần được cân nhắc, suy tính kỹ để Hiến pháp sửa đổi có giá trị bền vững hơn các Hiến pháp cũ.

tiet.jpg
LS Lê Đức Tiết: "Cần phân biệt rõ quyền con người với quyền công dân" (ảnh: Minh Hòa)

LS Lê Đức Tiết nhận định, tất cả đều vì quyền con người. Từ tự phát đến tự giác, mọi tìm tòi, phát minh, sáng chế, mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, nói cho cùng, đều hướng tới việc nâng cao đời sống con người. Mọi sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đều nhằm mục đích phục vụ quyền con người. Không có mục đích nào cao hơn.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 có nhấn mạnh đến quyền con người bằng cách đưa chương về quyền con người lên ở vị trí chương II của Hiến pháp. Nhưng điều cốt yếu của việc coi trọng quyền con người phải được thể hiện ở nội dung và tính khả thi của quyền đó.

Theo LS Lê Đức Tiết, nội dung các quyền con người và quyền công dân phải được quy định một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thi hành, dễ kiểm tra. Để đạt được điều đó, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cần có những sửa đổi, bổ sung về nội dung và kỹ thuật viết luật.

Cần phân biệt rõ quyền con người với quyền công dân

Lý giải điều này, LS Lê Đức Tiết cho rằng, quyền con người, còn gọi là quyền làm người, hoặc nhân quyền, gồm: quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu, là những quyền tự nhiên mà không do bất cứ ai ban tặng cả. Sinh ra là người, họ mặc nhiên được hưởng các quyền đó. Không ai được tước đi quyền con người một cách trái pháp luật. Em bé của một bộ lạc nguyên thủy đang sống trong rừng sâu cũng có quyền làm người như một Tổng thống của nước giàu mạnh. Nhưng chất lượng quyền con người ở các thời đại khác nhau, ở các nước phát triển khác nhau thì khác nhau.

Khác với quyền con người, quyền công dân là do luật pháp quy định, bao gồm các quyền: bầu cử, ứng cử, quyền quốc tịch, quyền học tập, quyền lập hội, quyền kinh doanh, quyền hành nghề… Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng của mỗi nước mà số lượng, phạm vi quyền công dân ở các nước khác nhau thì khác nhau. Việc mở rộng số lượng, phạm vi quyền công dân là nhằm mục đích không ngừng nâng cao chất lượng quyền con người.

Vì thế, LS Lê Đức Tiết cho rằng "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần phân biệt sự khác nhau giữa quyền con người với quyền công dân. Ví dụ: Điều 21 dự thảo viết "Mọi người có quyền sống". Quyền sống là quyền đương nhiên của con người. Không đòi hỏi Hiến pháp phải công nhận quyền đó. Điều mà nhân dân mong đợi là Hiến pháp có những quy định cụ thể về nâng cao chất lượng cuộc sống. Nội dung quyền sống bao gồm trong nó ba quyền cụ thể: được sống trong môi trường lành mạnh, được sống theo kiếp người và được sống trọn đời mãn kiếp".

Quyền con người, còn gọi là quyền làm người là những quyền tự nhiên mà không do bất cứ ai ban tặng (ảnh: Việt Hòa)

Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa đã làm suy giảm nghiêm trọng quyền sống của con người ở cả 3 nội dung cụ thể của nó. Điều mà nhân dân mong đợi là Hiến pháp đưa ra được những điều quy định để cho người dân được chăm sóc và bảo hiểm tốt hơn về y tế, ngày đêm không bị đầu độc bởi các chất thải công nghiệp, không có các làng ung thư hoặc mắc các bệnh lạ, không có những mái ấm nằm dưới những dòng điện cao áp… Ngoài ra cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Hơn 2 triệu nạn nhân da cam và nhiều hơn 2 triệu dân đang sống tại hàng chục điểm nóng về chất độc da cam đang mong đợi Hiến pháp có những quy định để cải thiện cuộc sống cho họ.

Cần nêu cao tính khả thi của điều luật

LS Tiết cũng cho rằng, tại chương II và ở nhiều chương khác của dự thảo Hiến pháp các cụm từ như: tạo điều kiện, tôn trọng, bảo đảm, bảo hộ, nghiêm chỉnh, nghiêm cấm, hoàn thiện… rất hay được sử dụng. Về nội hàm, các cụm từ này rất khó xác định tiêu chí để định lượng và định tính một cách đầy đủ. "Rất khó dùng các cụm từ ấy làm căn cứ pháp lý để kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ, trách nhiệm của viên chức và cơ quan Nhà nước. Hậu quả còn tai hại hơn sẽ xảy ra là nó không đo lường được trách nhiệm của người công bộc của dân với những cụm từ mang ý nghĩa rất chung ấy"- Luật sư Lê Đức Tiết đề nghị.

Theo Luật sư Lê Đức Tiết, trong dự thảo còn có nhiều điều mà khi đọc lên người ta thấy ngay rằng điều luật rất khó được thực thi. Ví dụ, Điều 50 dự thảo quy định: "Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế", vậy người nghèo, tàn tật không có thu nhập, trẻ em cũng phải nộp thuế?. Điều 48 dự thảo quy định: "Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự… ", vậy nữ công dân, người già cũng phải làm nghĩa vụ quân sự? "Luật nghĩa vụ quân sự quy định chỉ nam công dân trong lứa tuổi nhất định, có đủ sức khỏe mới phải làm nghĩa vụ quân sự, hoặc Điều 30 dự thảo quy định: "Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân". Như vậy chỉ khi nào Nhà nước trưng cầu ý dân thì dân mới có quyền biểu quyết?"- LS Lê Đức Tiết trăn trở.

Ông cũng băn khoăn rằng, nhiều điều luật của Hiến pháp không viết theo văn phong pháp lý mà viết theo văn phong Nghị quyết, Nghị luận, như Điều 64: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Những quy định như vậy không phải là quy định của điều luật./.