Ngoại giao văn hóa là một trong 3 trụ cột quan trọng trong công tác đối ngoại của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới. Bà Lê Linh Lan - Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ đã trao đổi với phóng viên, báo chí về chủ đề này bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tại Hà Nội.

PV: Xin Đại sứ đánh giá về tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa?

Đại sứ Lê Linh Lan:Từ góc độ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, chúng tôi nhận thấy ngoại giao văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngoại giao toàn diện của Việt Nam. Đây là một trong các trụ cột của ngoại giao nói chung. Ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh mềm của Việt Nam trên thế giới.

Vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi không tổ chức được các hoạt động ngoại giao văn hóa trực tiếp, nhưng trên tinh thần đổi mới, sáng tạo để khắc phục khó khăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã phối hợp với Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, phái đoàn Việt Nam tại Geneve, tổ chức được các hoạt động văn hóa, ngoại giao, giao lưu đặc biệt kết hợp trực tiếp và trực tuyến để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sỹ cũng như 30 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa 2 nước.

Các hoạt động ngoại giao này chúng tôi đã huy động các nguồn lực ở sở tại, kết hợp với các nền tảng kỹ thuật số, tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực và lan tỏa. Đây là thông điệp quan trọng góp phần đáng kể vào việc nâng cao vị thế và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong thời gian qua.

PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động giao lưu văn hóa bị ảnh hưởng không nhỏ, vậy Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã làm như thế nào để duy trì các hoạt động quan trọng này một cách hiệu quả?

Đại sứ Lê Linh Lan:Trong bối cảnh dịch bệnh gần 2 năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng như các nước trên thế giới đã có những cố gắng trong đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng, nâng tốc độ đường truyền internet, máy móc thiết bị… để tổ chức các hoạt động trực tuyến. Những hoạt động trực tuyến này giúp duy trì các cầu nối, để trong việc giao lưu giữa 2 đất nước không bị ngưng trệ. Dù vậy, các hoạt động trực tuyến không thể thay thế được các hoạt động trực tiếp.

Năm 2021 là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, hai bên đã tổ chức được 2 cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Phó Tổng thống Thụy Sỹ sang thăm Việt Nam và mang viện trợ gói vật tư y tế kịp thời. Đây là cử chỉ đặc biệt, nghĩa tình, đoàn kết với Việt Nam trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển. Gần đây phía Việt Nam có đoàn cấp cao do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu thăm chính thức Thụy Sỹ. Chuyến thăm diễn ra thành công tốt đẹp.

Sự chuẩn bị của chúng tôi thời gian vừa qua bằng các hoạt động trực tuyến cũng hướng tới việc thực hiện được chuyến thăm cấp cao trực tiếp, tuân thủ đầy đủ các quy chế, biện pháp an toàn chống dịch Covid-19 và chuyến thăm này đã tạo ra xung lực chính trị mạnh mẽ, thành công tốt đẹp. Nguyên thủ 2 nước đã có các cuộc hội đàm, trọng thị, thực chất.

Một mặt chúng ta vẫn phải tích cực tăng cường chuyển đổi số, thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, một mặt phải hướng tới điều kiện bình thường mới, kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa nói chung.

PV:Đại sứ Trong thời gian tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ có thêm hoạt động nào để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với người nước ngoài nhiều hơn qua cả hình thức trực tiếp và trực tuyến?

Đại sứ Lê Linh Lan:Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã góp phần giúp duy trì cầu nối, duy trì giao lưu văn hóa, đưa hình ảnh của đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách hiệu quả. Điều này cũng đòi hỏi sự thống nhất hành động, nhận thức tư duy của các bộ, ngành và cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chung lòng, chung sức để tiếp tục phát huy đổi mới sáng tạo trong việc quảng bá văn hóa trong thời đại dịch Covid-19.

Việc gia tăng đầu tư, phát triển các sản phầm nền tảng công nghệ số để quảng bá về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam rất đặc sắc và được bạn bè quốc tế yêu mến. Chúng ta cần tiếp tục tăng cường đầu tư cả về nguồn lực, cơ sở hạ tầng, các sản phẩm kỹ thuật số. Nếu làm tốt sẽ giúp tăng cường thương hiệu của đất nước, nâng cao sức mạnh mềm của đất nước, đưa Việt Nam ngày cảng trở thành điểm đến có sức hút, không chỉ về văn hóa, đất nước, con người, mà còn là nền kinh tế năng động và rất nhiều tiêm năng để các bạn bè quốc tế, doanh nghiệp đến làm ăn tại Việt Nam.

Ngoài việc làm ăn họ cũng muốn tìm hiểu về đất nước tươi đẹp, con người thân thiện, nguồn nhân lực rất trẻ với dân số vàng…Thực tế, cả 3 yếu tố văn hóa, kinh tế và chính trị kết hợp rất nhuần nguyễn, hài hòa với nhau, chúng ta không thể tách biệt. Việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 sẽ là điểm then chốt trong việc triển khai ngoại giao văn hóa trong thời kỳ mới.

PV:Thưa Đại sứ, có một số ý kiến cho rằng, các nhà ngoại giao nữ có “sức mạnh mềm”, có lợi thế trong các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao văn hóa. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Đại sứ Lê Linh Lan:Là một trong số các nữ đại sứ của Việt Nam được cử đi khắp nơi trên thế giới, chúng tôi cũng nhận thấy may mắn của mình. Các nữ đại sứ có thế mạnh riêng, nhưng sức mạnh mềm thì bất kỳ đại sứ nào cũng được hưởng từ vị thế, tiềm lực, hình ảnh của đất nước ngày càng tăng cao trên trường quốc tế.

Các nữ đại sứ chúng tôi có lợi thế ở sự tiếp cận mềm mại và mang hồn văn hóa dân tộc. Dù trước đây đảm nhiệm vai trò Đại sứ tại Mexico hay Đại sứ tại Thụy Sỹ hiện nay, tôi luôn nhận thấy văn hóa Việt Nam rất được bạn bè quốc tế trân trọng, yêu quý. Tà áo dài Việt Nam cũng ẩn chứa sức mạnh mềm của người phụ nữ Việt Nam: Mềm mại nhưng cũng rất kiên cường, vượt qua mọi khó khăn.

Là một đại sứ ở châu Âu, tôi nhận thấy các nước châu Âu rất trân trọng vai trò bình đẳng giới và tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi làm việc. Các đại sứ tại châu Âu đều có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với chính quyền sở tại trong việc tổ chức các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và luôn nhận được sự ủng hộ cũng như cam kết lớn của cơ quan sở tại đối với các nữ đại sứ. Đây là may mắn, là lợi thế của các nữ Đại sứ.

PV:Xin cảm ơn Đại sứ!./.