Sáng nay (29/9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ.

Chuyến công du nước ngoài lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tạo bước ngoặt lịch sử trong quan hệ với Pháp, mà còn nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ Việt Nam luôn là quốc gia xây dựng và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Nếu như 1993, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mitterrand đã mở ra thời kỳ mới, khép lại quá khứ hướng, tới tương lai trong quan hệ Việt - Pháp thì tròn 20 năm sau, chuyến thăm Pháp lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã ghi dấu mốc lịch sử, đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Jean - Marc Ayraulký Tuyên bố chung, nâng quan hệ Việt -Pháp lên Đối tác chiến lược, thể hiện mạnh mẽ ý chí chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, đáp ứng tiến trình phát triển tất yếu của mối quan hệ đặc thù Việt - Pháp, gây dựng trên cơ sở lòng tin chiến lược, sự gần gũi về lịch sử và văn hóa và tình cảm hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

thu-tuong-dung.jpg
Các đại biểu quốc tế chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau bài phát biểu đầy ấn tượng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68 (Ảnh chinhphu.vn)

Ông Christian Poncelet – Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Pháp chia sẻ: “Mối quan hệ đối tác chiến lược như một hợp đồng chung giữa hai nước, để chúng ta vững mạnh trong những thời điểm khó khăn, cùng hạnh phúc trong những tình huống thuận lợi. Nói tóm lại, chúng ta cùng liên kết trong mọi tình huống. Chúng tôi luôn ở bên Việt Nam và Việt Nam cũng ở bên chúng tôi. Với nước Pháp, mối quan hệ với Việt Nam rất quan trọng, vì Việt Nam mở ra cho nước Pháp và cho cả châu Âu mối quan hệ toàn thể cho châu Á. Nước Pháp cũng tạo điều kiện giúp Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ với châu Âu. Rõ ràng, quyết tâm chính trị đã được hai Chính phủ thể hiện, và sẽ được triển khai trong các lĩnh vực cụ thể để hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược”.

Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Pháp xác định rõ 6 lĩnh vực ưu tiên, đó là chính trị - ngoại giao; an ninh - quốc phòng; kinh tế - thương mại - đầu tư; hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục - đào tạo; nghiên cứu khoa học, tư pháp và bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ thúc đẩy các mặt quan hệ về chính trị, đó là các cơ chế về chính trị. Có thể nói, giữa Việt Nam và Pháp có những cơ chế chính trị rất quan trọng như Đối thoại về an ninh, quốc phòng; Ủy ban hỗn hợp về Quốc phòng, Ủy ban Kinh tế và đặc biệt là Ủy ban về Phi tập trung, tức là quan hệ của các địa phương, trong đó có gần 20 địa phương của Việt Nam. Có thể nói, những cơ chế này là một trong những cơ chế ít có quan hệ của Việt Nam với các nước.

Về mặt kinh tế, Đối tác chiến lược sẽ tạo điều kiện cho hai bên tăng cường quan hệ, phát huy những thế mạnh của mỗi bên. Ví dụ như chúng ta mong muốn Pháp tăng cường hơn nữa vào những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, hợp tác về vũ trụ, năng lượng sạch, xử lý các vấn đề nước sạch cũng như hợp tác trong biến đổi khí hậu. Với Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hơn nữa xuất khẩu sang thị trường Pháp các mặt hàng về nông phẩm, hàng tiêu dùng... Có thể nói đó là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Pháp”.

Trong cuộc gặp gỡ với các học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu của Pháp tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đưa ra thông điệp với tầm nhìn và định hướng chiến lược nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp. Thủ tướng cũng thẳng thắn trả lời tất cả các câu hỏi của các học giả, nhà nghiên cứu, kể cả các vấn đề nổi lên ở khu vực và trên thế giới.

Chuyên gia về lịch sử chính trị - quân sự Pháp Pierre Journoud bày tỏ: "Lần đầu tiên, tôi tham dự cuộc nói chuyện của người đứng đầu một Chính phủ. Ấn tượng lớn nhất với tôi là phong thái của ngài Thủ tướng Việt Nam, tạo một hình ảnh mới mẻ của Việt Nam với đông đảo giới học giả, nhà nghiên cứu của Pháp và số lượng lớn công chúng tham dự. Đặc biệt là việc Thủ tướn có những câu trả lời chân thành, cởi mở với tất cả các câu hỏi trực tiếp được đặt ra".

Như vậy cho đến thời điểm này, trong số 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc thì Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 4 thành viên, còn với Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vị thế của Việt Nam một lần nữa được khẳng định, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra Thông điệp “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68.

Thủ tướng đề cập đến câu chuyện chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự nóng bỏng của thế giới, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia trên thế giới. Và trong những nỗ lực chung này, Việt Nam luôn sẵn sàng với tư cách một quốc gia xây dựng và có trách nhiệm. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được các đại biểu tham dự Phiên thảo luận nhiệt liệt hoan nghênh với tính nóng bỏng, thuyết phục và nhân văn.

Ông Ricardo de Guimaraes Pinto, Đại diện Văn phòng Liên lạc UNESCO tại New York bảy tỏ: “Đó là bài phát biểu rất ấn tượng và thực sự gây xúc động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng, thế giới đã đạt được nhiều thành tựu về khoa học và kinh tế trong thế kỷ qua nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ đói nghèo, chiến tranh và xung đột. Ông đã khắc họa một đất nước Việt Nam từng bị chiến tranh tàn phá, đang trong giai đoạn xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế. Người dân Việt Nam đã trực tiếp nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh và do vậy, lời kêu gọi hòa bình trên thế giới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang ý nghĩa rất quan trọng, có sức thuyết phục và tính thời sự”.

Trong thời gian hơn một ngày ở Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục có các cuộc gặp, tiếp xúc song phương cả ở thủ đô Washington DC và thành phố New York với các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc như Tổng Thư ký Ban Ki-moon; các quan chức cấp cao Hoa Kỳ như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, một số nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới và lãnh đạo 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất thế giới là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Một điểm chung là các định chế tài chính quốc tế và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế; khẳng định cam kết tiếp tục sát cánh ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Điều đặc biệt trong đợt công tác này của Thủ tướng là mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các nước lớn thì nguồn vốn đóng góp cho quỹ phát triển AIDA của WB còn nhiều hạn hẹp. Tuy nhiên, WB đã cam kết tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ưu đãi này trong kì AIDA 17, tức là 2014 – 2016. Bên cạnh đó, WB cũng cam kết cung cấp cho Việt Nam nhiều hơn nữa các nguồn vốn thương mại, thông qua các hoạt động của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế của Quỹ Tài chính quốc tế cũng như Cơ quan Bảo hiểm MEGA”.

Vượt qua một vòng trái đất, chuyến công du nước ngoại lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tạo bước ngoặt lịch sử trong quan hệ với Pháp mà còn nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ Việt Nam đang triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. 

Chuyến thăm Pháp và tham dự tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn để lại những ấn tượng sâu đậm về hình ảnh một Việt Nam luôn có trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ và gánh vác công việc chung của cộng đồng quốc tế./.