Sáng 28/9 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68. Trước đó, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Tổng Thư ký Ban Ki-moon hết sức coi trọng các vấn đề phát triển, đặc biệt là việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, phương hướng phát triển sau năm 2015 cũng như ứng phó với các thách thức về việc làm, biến đổi khí hậu...

Thủ tướng cho biết, quá trình đổi mới ở Việt Nam đã đưa đến những thành tựu quan trọng, trong đó có việc đạt và vượt nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam quyết tâm thực hiện quá trình đổi mới toàn diện, trong đó những nội dung quan trọng là tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại trong nhiều năm qua là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đồng thời sẽ đẩy mạnh phương hướng đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược, chương trình hành động của Liên Hợp Quốc trong các lĩnh vực; thực hiện hiệu quả sáng kiến “Thống nhất hành động” nhằm tăng cường sự phối hợp của các tổ chức Liên Hợp Quốc; triển khai những đóng góp mới, trước mắt là kế hoạch Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon về nâng cao năng lực thể chế, nhân lực, tư vấn chính sách cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết một số vấn đề xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời hỗ trợ kinh nghiệm và các mặt khác cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực như hợp tác về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước sông Mê Công, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang tham dự Phiên thảo luận chung Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những ưu tiên phát triển của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, bằng biện pháp hòa bình giải quyết các cuộc xung đột…

Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, hoan nghênh việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và bày tỏ mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam vì các mục tiêu phát triển dài hạn.

** Bên lề phiên thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Haiti Laurent Salvador Lamothe bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển nhanh và tích cực của mối quan hệ song phương, trong đó có quan hệ chính trị - ngoại giao và kinh tế - thương mại, đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục triển khai Hiệp định khung về Hợp tác Thương mại và Đầu tư, theo đó hai bên sẽ xúc tiến thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư nhằm điều phối có hiệu quả và thực chất các hoạt động hợp tác kinh tế. Cảm ơn Chính phủ Haiti tạo điều kiện cho dự án đầu tư của Viettel liên doanh với tổng mức đầu tư 100 triệu USD Mỹ được triển khai thuận lợi, Thủ tướng đề nghị Haiti tiếp tục tạo điều kiện và bảo vệ lợi ích cho dự án đầu tư của Viettel, cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực khác.

Hai Thủ tướng cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như trồng lúa và các loại cây trồng khác, công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản... thông qua các hình thức trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, cung cấp máy móc - thiết bị, phát triển chương trình hợp tác chung...Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế và tham gia vào các dự án thuộc Chương trình tái thiết Haiti./.