Ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc chuyến công tác tại Hoa Kỳ và tham dự phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Dù chỉ diễn ra trong hơn một ngày, nhưng các hoạt động của Thủ tướng đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với cộng đồng quốc tế.
Tại thủ đô Washington DC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp và làm việc với các quan chức thương mại cấp cao của Mỹ cũng như lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Mỹ, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết bà đánh giá rất cao cam kết cải cách kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về kinh tế Việt Nam.
Tổng Giám đốc IMF ChristineLagarde |
Bà Lagarde nói: “Quyết tâm đảm bảo và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến tôi đặc biệt ấn tượng, cho thấy ông thực sự am tường về toàn bộ tình hình. Chúng tôi cũng thảo luận về quyết tâm của Thủ tướng trong đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và ổn định nền kinh tế thông qua hai yếu tố, thứ nhất là củng cố tài chính và đảm bảo một chính sách tiền tệ vững mạnh, thứ hai là tiếp tục cải tổ hệ thống ngân hàng và khối doanh nghiệp Nhà nước. Với chiến lược cải tổ tổng thể đang được thực thi, chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được sự ổn định kinh tế và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng từ mức trên 5% hiện nay”.
Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ diễn ra tại thành phố New York, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định quyết tâm cải cách cơ cấu kinh tế Việt Nam và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các doanh nghiệp Mỹ.
Bà Josette Sheeran, Chủ tịch Hội châu Á |
Bà Josette Sheeran, Chủ tịch Hội châu Á, tổ chức của Mỹ chuyên nghiên cứu và giáo dục về châu Á bày tỏ: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ: Việt Nam có tầm nhìn lớn, hoài bão lớn trong phát triển kinh tế và hội nhập với kinh tế thế giới. Hơn nữa, Thủ tướng đã nêu rõ kế hoạch hành động của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức trong nước và để cộng đồng quốc tế thấy rõ rằng, Việt Nam thực sự muốn đóng góp hết sức mình cho thế giới. Quan trọng nhất là Thủ tướng đã nói về những khó khăn trước mắt đối với Việt Nam cũng như cam kết của cá nhân ông. Tái cơ cấu kinh tế nhằm tạo thêm cơ hội cho người dân đòi hỏi phải có sự lãnh đạo. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ, thể hiện sự ủng hộ đối với cải cách kinh tế, sự cởi mở và minh bạch. Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam không muốn sức cạnh tranh bị tụt hậu trên thế giới, muốn tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định tự do thương mại và có hoài bão trong việc tạo thêm cơ hội cho người dân. Những thông điệp trên đã được truyền tải một cách rõ ràng tới cộng đồng doanh nghiệp Mỹ”.
Tham dự phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động vì một thế giới hòa bình và không còn đói nghèo. Thông điệp của Thủ tướng đã được các đại biểu tham dự nhiệt liệt hoan nghênh.Phó trưởng Đại diện phái đoàn Nhật bản tại Liên Hợp Quốc, Kazuyoshi Umemoto cho biết, ông thực sự ấn tượng với bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời chia sẻ quan điểm của Việt Nam về hòa bình thế giới.
Đại diện Văn phòng Liên lạc UNESCO tại New York |
Về phần mình, ông Ricardo de Guimaraes Pinto, Đại diện Văn phòng Liên lạc UNESCO tại New York cho biết: “Đó là bài phát biểu rất ấn tượng và thực sự gây xúc động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng thế giới đã đạt được nhiều thành tựu về khoa học và kinh tế trong thế kỷ qua nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ đói nghèo, chiến tranh và xung đột. Ông đã khắc họa một đất nước Việt Nam từng bị chiến tranh tàn phá đang trong giai đoạn xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế. Người dân Việt Nam đã trực tiếp nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh và do vậy, lời kêu gọi hòa bình trên thế giới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang ý nghĩa rất quan trọng, có sức thuyết phục và tính thời sự”./.